Hội nghị thượng đỉnh EU đạt được nhiều đồng thuận

Lãnh đạo 27 quốc gia EU đạt được đồng thuận quan trọng là tạo ra một cơ chế cứu trợ thường trực với các nước thành viên Eurozone.
Ngày 17/12, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã kết thúc sau hai ngày làm việc.

Đồng thuận quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU đạt được tại hội nghị lần này là việc sửa đổi hạn chế Hiệp ước Lisbon nhằm tạo ra một cơ chế cứu trợ thường trực đối với các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, như với trường hợp của Hy Lạp và Ireland hiện nay.

Quỹ cứu trợ tài chính thường trực ra đời chính là một biện pháp quan trọng để đảm bảo sự ổn định của Khu vực đồng euro trong tương lai. Tuy nhiên, sự sửa đổi hạn chế này vẫn phải chờ hai năm để quốc hội các nước thành viên thông qua mới có hiệu lực.

Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo sự ổn định của Khu vực đồng euro.”

Tại cuộc họp lần này, ngoài vấn đề thống nhất thay đổi một phần Hiệp ước Lisbon, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về mối quan hệ của EU với các đối tác chiến lược thông qua báo cáo của Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách an ninh - đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton.

Phát biểu về vấn đề này, ông Van Rompuy cho biết trong thời gian qua, EU đã tiến hành ba cuộc họp thượng đỉnh với các đối tác chiến lược toàn cầu.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai bên đã đồng ý mở ra cơ hội mới cho sự hợp tác liên Đại Tây Dương về tăng trưởng xanh và củng cố an ninh mạng.

Còn tại cuộc gặp với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hai bên đã đạt được thỏa thuận song phương hỗ trợ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tại cuộc gặp với Thủ tưởng Ấn Độ mới đây, hai bên cũng đạt được những tiến bộ quan trọng trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương. Chủ tịch Van Rompuy nhấn mạnh “Tất cả các cuộc gặp gỡ này cho thấy EU không chỉ là liên minh về kinh tế, mà còn là đối tác địa chính trị quan trọng.”

Về vấn đề mở rộng EU, các nhà lãnh đạo cũng đã thông qua việc trao quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Montenegro.

Hội nghị lần này được đánh giá thành công do đạt được nhiều sự đồng thuận, tuy nhiên, một số vấn đề khác rất được trông đợi đã không được đề cập đến như ngân sách EU trong những năm tới, phát hành trái phiếu EU...

Với những kết quả đạt được tại hội nghị, có thể thấy một EU mang những tham vọng toàn cầu./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục