Ngày 25/2, tại Pháp viện Minh Đăng Quang, Quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Hệ phái Khất sĩ đã tổ chức Hội thảo khoa học " Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập."
Hơn 500 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chư tôn đức Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan quản lý, viện trường đại học và các tăng ni, phật tử trong cả nước đã tham dự hội thảo.
Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, cho biết hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập vào giữa thập niên 40 của thế kỷ 20.
Sau gần một thập niên truyền bá, năm 1954, Tổ sư Minh Đăng Quang qua đời, tuy nhiên đường lối nhập thế của Hệ phái Khất sĩ chẳng những không bị khựng lại mà còn phát triển vượt trội so với các hệ phái và sơn môn phái khác của Phật giáo miền Nam nói riêng và toàn quốc nói chung.
Vào năm 1981, cùng với 8 hệ phái Phật giáo khác, Hệ phái Khất sĩ đã tham gia vào việc thống nhất, thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sự phát triển của Hệ phái Khất sĩ trong 70 năm qua (1944-2014) tại Việt Nam là một minh chứng về sự vận dụng trí tuệ phương tiện trong độ sinh, nhờ đó, cũng trong cùng bối cảnh xã hội và chính trị Việt Nam, Hệ phái Khất sĩ đã có một bước phát triển đều đặn, năng động và hiệu quả so với các hệ phái khác của Phật giáo Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, nhấn mạnh trong 70 năm qua Hệ phái Khất sĩ đã góp phần không nhỏ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình.
Từ một đoàn du tăng, đến nay Hệ phái Khất sĩ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng không chỉ ở Việt Nam với trên 500 tịnh xá và hơn 3.000 tăng ni, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Hòa thượng Thích Trí Quảng, sự phát triển nhanh chóng trên cho thấy, phương pháp hành đạo của Hệ phái Khất sĩ chú trọng "nhân thừa", mang phong cách bình dân, tụng niệm bằng thi ca, đầu đội trời, chân đạp đất, ba y một bát thong dong trên mọi nẻo đường, ăn chay thuần tịnh, giảng pháp đi vào lòng người... có khả năng chuyển hóa nhân tâm, đặc biệt là quần chúng bình dân ở miền Nam.
Ông Bùi Thanh Hà, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, cho rằng hơn nửa thế kỷ trôi qua, Hệ phái Khất sĩ đã hòa nhập trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần phát huy ánh đạo quang minh của Đức Phật, mở ra một nguồn mạch mới, một sức sống mới, đưa tinh thần Đạo Phật Việt Nam vốn đã hòa nhập ngày càng gắn kết hơn vào cuộc sống dân gian.
Bên cạnh đó, Hệ phát Khất sĩ vẫn giữ được nét riêng đáng quý về truyền thừa để đông đảo tín đồ Phật giáo tìm thấy sự phù hợp và giá trị của Phật giáo trong cuộc sống hiện đại.
Đánh giá cao và trân trọng đối với những công lao mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, ông Bùi Thanh Hà mong muốn các hòa thượng, thượng tọa, đại đức và các tăng ni, phật tử thuộc Hệ phái Khất sĩ tiếp tục kế thừa và phát huy tâm đạo sáng ngời, tinh thần mẫn tiệp và hòa hợp của Tổ sư Minh Đăng Quang, phát huy những giá trị tốt đẹp của Hệ phái Khât sĩ trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chư tôn đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã thảo luận, trao đổi nhiều chủ đề như Tổ sư Minh Đăng Quang: Cuộc đời và đạo nghiệp; tư tưởng Phật học của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn lý; quá trình hình thành và phát triển, hội nhập của Hệ phái Khất sĩ; Hệ phái Khất sĩ và sự nghiệp xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay...
Cùng ngày, trong khuôn khổ chương trình Đại lễ tưởng niệm 60 năm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức An vị tượng Phật, Tổ sư Minh Đăng Quang tại Pháp viện Minh Đăng Quang; Khai mạc triển lãm ảnh mang tên "Ánh Minh Quang"./.