Hối thúc các nước đẩy mạnh cuộc chiến chống HIV

Quan chức LHQ kêu gọi các nước cần chấm dứt phụ thuộc vào các nguồn tài chính quốc tế cũng như mọi hình thức từ thiện để phòng chống HIV.
Ngày 25/7, tại Hội nghị quốc tế về AIDS đang diễn ra ở thủ đô Washington của Mỹ, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước tăng cường đầu tư và huy động nguồn tài chính trong nước trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc phụ trách chính sách và đổi mới của Chương trình chung về HIV/AIDS (UNAIDS) của Liên hợp quốc, tiến sĩ Bernhard Schwartländer kêu gọi các nước cần chấm dứt sự phụ thuộc vào các nguồn tài chính quốc tế cũng như mọi hình thức từ thiện để phòng chống HIV.

Ông nêu bật các nỗ lực của các nước thu nhập thấp và trung bình mới đây trong việc huy động và tăng cường nguồn đầu tư trong nước trong cuộc chiến chống lây nhiễm HIV/AIDS, đồng thời lưu ý đến việc nhiều nước có kinh tế kém phát triển vẫn cần sự trợ giúp to lớn của cộng đồng quốc tế trong thập kỷ tới chống HIV.

Ông Schwartländer cũng cung cấp bức tranh tài chính hiện hành của cuộc chiến chống HIV, đồng thời cũng đề xuất các phương pháp tài trợ đổi mới nhằm tăng nguồn tài chính có thể dự báo trước và đáng tin cậy.

Các phương pháp đổi mới tài trợ này bao gồm thuế giao dịch tài chính, đầu tư trả trước vào y tế thông qua trái phiếu hoặc tận dụng nguồn tiền phạt các công ty dược phẩm quốc tế về chống độc quyền nhằm trợ giúp ngành y tế trong cuộc chiến chống AIDS.

Nếu thế giới hành động theo hướng này, cuộc chiến chống HIV/AIDS toàn cầu có thể được bổ sung thêm 50 tỷ USD hàng năm từ nay đến năm 2020 ngoài 133 tỷ USD hiện nay.

Ngoài ra, tiến sĩ Schwartländer cũng nêu bật nhiều khả năng mới để các nước có thể phối hợp, hợp tác, hành động và tài trợ nhằm phòng chống HIV/AIDS hiệu quả trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang làm thay đổi nhanh chóng trật tự toàn cầu.

Theo ông Schwartländer, nếu thế giới biết tăng cường khai thác và phát huy được những khả năng mới trong hợp tác, hành động và tài trợ, cũng như chính phủ các nước đẩy mạnh đầu tư trong nước vào các hoạt động chống HIV/AIDS, số ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu có thể giảm hơn 50% trong vòng chưa đầy một thập kỷ tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục