Hơn 30% phi công toàn cầu vẫn thất nghiệp do đại dịch COVID-19

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi tỷ lệ phi công thất nghiệp trong khu vực đã tăng từ 23% lên 25%, trong khi tỷ lệ phi công được bay chỉ là 53%.
Hơn 30% phi công toàn cầu vẫn thất nghiệp do đại dịch COVID-19 ảnh 1Nhiều phi công bị mất việc do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Hơn 30% phi công của các hãng hàng không trên toàn cầu vẫn chưa được bay trở lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mặc dù tình hình đã có nhiều cải thiện so với cách đây một năm.

Đây là kết quả khảo sát do công ty tuyển dụng nhân lực hàng không GOOSE Recruitment tại Anh và chuyên trang thông tin về lĩnh vực hàng không vũ trụ FlightGlobal công bố ngày 26/1.

Kết quả khảo sát được thực hiện với 1.700 phi công trên toàn cầu cho thấy có 62% phi công được hỏi vẫn đang có việc làm và điều khiển các chuyến bay, tăng so với mức 43% của năm 2020.

Tỷ lệ phi công thất nghiệp giảm từ 30% xuống còn 20%, trong khi có 6% phi công đang nghỉ phép, giảm so với mức 17% trong bối cảnh ngành hàng không bắt đầu hồi phục từ mức thấp trong năm 2020.

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi lượng khách du lịch quốc tế giảm do nhiều nước áp đặt các lệnh hạn chế đi lại. Tỷ lệ phi công thất nghiệp trong khu vực đã tăng từ 23% lên 25%, trong khi tỷ lệ phi công được bay chỉ là 53%.

[Triển vọng mong manh của ngành hàng không toàn cầu trong năm 2022]

Hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hong Kong (Trung Quốc), vốn sử dụng nhiều lao động người nước ngoài ở châu Á, đã mất hàng trăm phi công khi phải đóng cửa công ty con Cathay Dragon và gần như tất cả các văn phòng ở nước ngoài khi đại dịch bùng phát.

Tình trạng này vẫn đang tiếp diễn do các quy định tạm trú nghiêm ngặt ở nhiều nước, buộc phi hành đoàn phải ở lại trong khách sạn khi không có chuyến bay.

Trong số các phi công được bay trên toàn cầu, có 61% bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo đảm công việc.

Trong khi lượng hành khách khu vực Bắc Mỹ đã khôi phục trở lại thì phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, gây trở ngại cho hoạt động đi lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục