Hơn 393.000 lượt khách đến Bình Thuận, Cà Mau, An Giang dịp Quốc khánh

Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, tỉnh Bình Thuận đón 116.000 lượt du khách, tỉnh An Giang đón hơn 220.000 lượt du khách, tỉnh Cà Mau đón 57.500 lượt du khách.
Hơn 393.000 lượt khách đến Bình Thuận, Cà Mau, An Giang dịp Quốc khánh ảnh 1Cộng đồng người Chăm tại Bình Thuận diễu hành trong Lễ hội Đường phố Sắc màu Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết khoảng 116.000 lượt khách đến địa phương trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 (từ ngày 1-4/9) tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù thời tiết không được thuận lợi, nhiều mưa nhưng hoạt động du lịch trên địa bàn diễn ra khá sôi động. Tại các điểm, khu du lịch như Công viên Biển Đồi Dương, Di tích tháp Pô Sah Inư, Bãi Đá Ông Địa, Đồi cát Mũi Né, Bàu Trắng… thu hút đông du khách.

Qua tổng hợp sơ bộ, bình quân công suất phòng của các khách sạn, cơ sở lưu trú, resort tiêu chuẩn 3-5 sao tại khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết, Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành… đều đạt từ 70 - 90%.

Đặc biệt trong hai ngày cao điểm là 2-3/9, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú ven biển trên tuyến Hàm Tiến-Mũi Né và Tiến Thành gần như kín phòng. Khách tới Bình Thuận trong kỳ nghỉ năm nay đa phần là khách nội địa đến từ các tỉnh, thành phố lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng…

[Du khách đến Khánh Hòa, Lào Cai dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tăng mạnh]

Ngoài thuận lợi từ tuyến cao tốc đường bộ đoạn Dầu Giây-Phan Thiết và Phan Thiết-Vĩnh Hảo, dịp nghỉ lễ năm nay Bình Thuận tổ chức nhiều sự kiện, sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách như  Triển lãm "Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam;" Tuần lễ văn hóa đường phố Năm Du lịch Quốc gia "Bình Thuận - Hội tụ xanh" năm 2023 với các hoạt động caraval đường phố chủ đề Sắc màu Bình Thuận; Âm nhạc đường phố Bình Thuận - Rock fest; hoạt động giao lưu nghệ thuật "Biển, đảo - Trái tim Việt Nam;" trưng bày và giới thiệu sản phẩm du lịch…

Bên cạnh đó, công viên nước quy mô lớn Wonderland Water Park kịp thời đưa vào hoạt động cùng các hoạt động bắn pháo hoa tầm thấp, hoạt động đường phố sôi động tại Khu đô thị kinh tế giải trí Novaworld…, góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch đến Bình Thuận.

Ban Quản lý các khu, điểm du lịch tăng cường công tác quản lý, đảm bảo môi trường du lịch, giữ bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và bảo đảm an toàn thực phẩm; vệ sinh công cộng, cảnh quan môi trường; kiểm soát tốt hoạt động bán hàng rong, trẻ em cho thuê tấm trượt cát.

Hơn 393.000 lượt khách đến Bình Thuận, Cà Mau, An Giang dịp Quốc khánh ảnh 2Du khách tham gia tour xuyên rừng Đất Mũi Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tại Cà Mau, ngày 4/9, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tổng lượt khách tham quan, vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh đạt gần 57.500 lượt người, tăng 8% và tổng doanh thu đạt 74,5 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số 57.500 lượt khách có hơn 44.000 lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, các vườn chim và các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tiêu biểu chào mừng Quốc khánh 2/9 như Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa; Chương trình Âm nhạc “Mơ về Cà Mau;” vòng chung kết Hội thi tài năng ‘‘Hoa phượng đỏ’’ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thu hút đông đảo người dân, du khách đến xem, cổ vũ.

Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, do ảnh hưởng của bão số 3 đã xuất hiện mưa to trên diện rộng và gây ngập cục bộ một số tuyến đường giao thông địa bàn thành phố Cà Mau. Dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tốt kế hoạch chuẩn bị đón khách du lịch vào dịp lễ 2/9, chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên, việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết được thực hiện nghiêm.

Các khu, điểm du lịch, di tích đều đảm bảo an toàn cho khách đến tham quan, giải trí. Giá dịch vụ bình ổn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không xảy ra tình trạng chèo kéo khách du lịch.

Trong những tháng cuối năm 2023, địa phương định hướng tăng cường liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Cà Mau, tổ chức đa dạng các sự kiện kích cầu phát triển du lịch.

Đặc biệt là các hoạt động trong Chương trình sự kiện ‘‘Cà Mau-Điểm đến 2023;’’ trong đó, tiêu biểu là tổ chức Festival Tôm-Cà Mau 2023 và Giải Đất Mũi Marathon-Cà Mau 2023.

Hơn 393.000 lượt khách đến Bình Thuận, Cà Mau, An Giang dịp Quốc khánh ảnh 3Khách du lịch đi xuồng tham quan Rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang). (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tại An Giang, chiều 4/9, ông Đào Sĩ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 1-4/9), tỉnh đón hơn 220.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú chủ động chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ đêm của du khách.

Theo ông Đào Sĩ Tuấn, dịp nghỉ lễ năm nay trùng với thời điểm có bão SAOLA nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động tham quan du lịch. Lượng khách du lịch trên địa bàn tỉnh giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Đào Sĩ Tuấn cho biết, dịp lễ 2/9, các khu, điểm du lịch, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh đã tổ chức một số chương trình vui chơi giải trí kết hợp biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, thu hút đông khách đến tham quan, du lịch như Khu Cáp treo Núi Cấm, Rừng tràm Trà Sư tổ chức hội bánh dân gian, lễ hội trái cây phục vụ khách du lịch...

Ngoài sự kiện thu hút khách tham quan, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình ưu đãi, miễn phí vé ăn uống, tham quan cho du khách.

Năm 2023, ngành Du lịch An Giang đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.500 tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 6 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch và đạt 75% so với kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 3.900 tỷ đồng và đạt 71% so với kế hoạch cả năm.

An Giang sở hữu nhiều tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo với nhiều khu, điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam (thành phố Châu Đốc); Khu Du lịch núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên); làng Chăm Châu Phong (Tân Châu); chợ nổi Long Xuyên (Long Xuyên)… và nhiều điểm tham quan khác trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có 97 cơ sở lưu trú du lịch; 5 khu, điểm du lịch được công nhận.

Ngành Du lịch An Giang đang đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long; khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gắn hoạt động du lịch với tuyên truyền văn hóa, truyền thống người An Giang và các hoạt động sinh thái.

Ngoài ra, ngành Du lịch đẩy mạnh phát triển các tour tuyến, hoạt động thương mại, dịch vụ kết hợp để giữ chân du khách; thay đổi tư duy làm du lịch từ số lượng sang chất lượng, hướng đến phát triển du lịch bền vững, thân thiện môi trường.

Để thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm, thời gian qua, ngành Du lịch An Giang tích cực quảng bá hình ảnh và thông tin về du lịch địa phương; tăng cường kết nối, xúc tiến hợp tác phát triển du lịch với các thị trường khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên…; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục