Các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Galway của Ireland vừa công bố một nghiên cứu cho thấy các chất nhựa dẻo đã được tìm thấy trong gần 3/4 số cá sống ở vùng biển sâu ở Tây Bắc Đại Tây Dương.
Đây là một trong những con số cao nhất so với các vùng biển trên thế giới.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố ngày 20/2 trên tạp chí Frontiers in Marine Science.
Các nhà khoa học đã kiểm tra 233 con cá tại một vùng biển ô nhiễm ở Tây Bắc Đại Tây Dương, sống ở độ sâu tới 600m và dài từ 3,5cm đến 69cm.
[IUCN cảnh báo các đại dương bị ô nhiễm vì hạt nhựa cực nhỏ]
Họ đã phát hiện rằng 73% số cá ở đây đã ăn phải các loại chất nhựa dẻo, khiến khu vực biển này trở thành một trong những nơi có tỷ lệ chất nhựa dẻo trong cá cao nhất thế giới.
Đáng lo ngại là các loài cá được nghiên cứu vốn là nguồn thức ăn quan trọng cho nhiều loài cá ăn thịt như cá heo, hải cẩu, cá ngừ và các loại chim biển.
Các mẩu chất dẻo thường là các mảnh vỡ từ các vật dụng bằng nhựa cỡ to hơn bị thải ra các đại dương, hay trong các dòng nước thải ra biển đem theo những dây nhựa và các loại hạt nhựa cỡ nhỏ vốn dùng trang trí cho quần áo và sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người.
Vì có trọng lượng nhẹ, đa phần các mảnh mẩu chất dẻo này nổi trên mặt nước biển.
Các tác giả nghiên cứu trên cho biết tình trạng ô nhiễm chất dẻo nói trên có thể tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe của chính con người, vì rồi những con cá ăn phải chất dẻo này một ngày sẽ nằm trong dây chuyền thực phẩm cung cấp cho con người.
Các nhà khoa học cho biết cá cũng hấp thụ các hóa chất ô nhiễm tích tụ trong các mẩu chất dẻo mà chúng ăn phải, như polychlorinated biphenyl, chất thường được dùng làm sơn màu.../.