Hơn một nửa số dân Nam Sudan có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng

Ba cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc vừa cảnh báo về việc khoảng 7 triệu người dân Nam Sudan (chiếm hơn một nửa số dân nước này) có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Hơn một nửa số dân Nam Sudan có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng ảnh 1Người dân Nam Sudan tại trại tị nạn Al-Nimir, Đông Darfur của Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ba cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc vừa cảnh báo về việc khoảng 7 triệu người dân Nam Sudan (chiếm hơn một nửa số dân nước này) có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào thời điểm giáp hạt tới (từ tháng Năm đến tháng Bảy) và kêu gọi hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp đối với người dân Nam Sudan.

Cuối tuần trước, Chính phủ Nam Sudan đã phối hợp với Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) công bố Báo cáo phân đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC), cho biết số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại quốc gia Trung Phi này đã tăng thêm 13% kể từ tháng Một năm ngoái.

Theo báo cáo trên, khu vực miền Đông và miền Trung của Nam Sudan đang phải gánh chịu tình trạng thiếu lương thực ở mức thảm họa hoặc IPC5 (mức độ mất an toàn thực phẩm cao nhất) với khoảng 30.000 người.

Hiện tại, khoảng 50.000 người dân nước này sẽ phải đối mặt với thảm họa lương thực giữa tháng Năm và tháng Bảy tới. Nếu không có sự trợ giúp, con số trên có thể lên tới 260.000 người.

Ước tính, sản lượng ngũ cốc trong nước năm nay sẽ chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu ngũ cốc của Nam Sudan, giảm đáng kể so với mức 61% trong năm ngoái.

Tình trạng thiếu lương thực ở Nam Sudan càng diễn biến xấu hơn trong bối cảnh xung đột kéo dài, sản xuất lương thực không đủ và tình trạng di cư thường xuyên.

Xung đột tiếp tục làm gián đoạn sản xuất lương thực, làm cạn kiệt giống vật nuôi và hạn chế người dân tiếp cận với các nguồn thực phẩm thay thế.

[UNICEF kêu gọi 3,9 tỷ USD giúp 41 triệu trẻ em trên toàn thế giới]

Các đợt khô hạn kéo dài, lũ lụt, bệnh cây trồng và sâu bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp vốn chủ yếu phụ thuộc vào mưa. Đặc biệt, người nghèo dễ bị tổn thương do giá lương thực đắt đỏ và số lượng thực phẩm có hạn trên thị trường.

Kể từ khi xung đột nổ ra ở Nam Sudan vào cuối năm 2013, cùng với các tổ chức nhân đạo khác, FAO, UNICEF và WFP đã tiến hành các chiến dịch cứu trợ lớn tại Nam Sudan theo cơ chế phản ứng nhanh, theo đó các đội cứu trợ di động thường di chuyển bằng trực thăng để tiếp cận một cách nhanh nhất người dân ở các khu vực bị cô lập và đã cứu đói được rất nhiều người.

Năm nay, FAO đặt mục tiêu hỗ trợ 800.000 hộ nông dân, ngư dân nghèo các loại hạt rau giống, cây trồng, dụng cụ nông nghiệp thô sơ và dụng cụ đánh cá để tự cung cấp lương thực, thực phẩm.

Trong khi đó, WFP cũng có kế hoạch phân phối 175.000 tấn lương thực trước khi bắt đầu mùa mưa nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp và tăng cường khả năng phục hồi của người dân Nam Sudan và thực hiện nhiều sự hỗ trợ khác cho những người dễ bị tổn thương nhất như phân phối thực phẩm miễn phí, cung cấp thực phẩm, tiền mặt để đổi lấy lao động phục vụ cộng đồng, bữa ăn ở trường học và các sản phẩm đặc biệt để phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.

Cũng như FAO và WFP, trong năm 2019, UNICEF đã cung cấp dịch vụ dinh dưỡng chất lượng cho hơn 2 triệu bà mẹ, trẻ em.

Ngoài ra, tổ chức này cũng cho biết sẽ cung cấp các chất bổ sung vi chất dinh dưỡng, nước, dịch vụ y tế, dịch tễ và tư vấn về thực hành vệ sinh, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh phù hợp để ngăn ngừa suy dinh dưỡng cấp tính.

Tuy nhiên, ngân quỹ của UNICEF dành cho chương trình hiện tại ở Nam Sudan chỉ có thời hạn đến hết tháng Tư tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục