Hong Kong dẫn đầu

Hong Kong dẫn đầu xếp hạng năng lực cạnh tranh

Hong Kong lần đầu tiên vượt Singapore trở thành vùng lãnh thổ có năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới, vượt qua 59 nước khác.
Theo đánh giá xếp hạng mới đây của Đại học kinh doanh IMD (Thụy Sĩ), Hong Kong (Trung Quốc) đã lần đầu tiên trở thành vùng lãnh thổ có năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới, vượt qua 59 nước khác.

Bảng xếp hạng đã được công bố trong Cuốn Năng lực Cạnh tranh Thế giới năm 2011 do Đại học kinh doanh IMD xuất bản.

Theo bà Suzanne Rosselet, Phó Giám đốc Trung tâm Năng lực Cạnh tranh Thế giới của IMD tại Lausanne (Thụy Sĩ), 2/3 trong số 331 tiêu chí đánh giá là mang tính thống kê, dựa trên số liệu của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế của Liên hợp quốc (OECD), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF). Trong khi 1/3 tiêu chí là dựa trên số liệu khảo sát ý kiến để Đại học kinh doanh IMD có thể hiểu rõ hơn một số yếu tố liên quan vốn không thể dễ dàng đo đếm được bằng các con số, ví dụ, sự tác động của tăng trưởng kinh tế đến mối trường, chất lượng cuộc sống cũng như tính hiệu quả của hệ thống giáo dục.

Bà Rosselet cũng cho biết trong nhiều năm qua, Hong Kong luôn nằm trong Top 10 của bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh thế giới và thứ hạng này đã dần dần được cải thiện. Năm 2010, Hong Kong đứng ở vị trí thứ hai, xếp sau Singapore và trước Mỹ. Đến năm 2011, Hong Kong vươn lên vị trí số 1, xếp sau đó lần lượt là các nước Mỹ, Singapore, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Loan, Canada, Quatar, Australia và Đức.

Nguyên nhân chính của sự thay đổi thứ bậc xếp hạng này là do Hong Kong đã thể hiện rất tốt năng lực cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Nền kinh tế Hong Kong đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau giai đoạn suy thoái toàn cầu năm 2008-2009, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, một yếu tố chủ chốt khác không thể bỏ qua là Hong Kong đã đạt được sự cân đối về tính hiệu quả hoạt động giữa khu vực chính phủ và doanh nghiệp.

Nhận định về vấn đề này, bà Rosselet cho biết ở một số quốc gia như Brazil hoặc Mỹ, khu vực doanh nghiệp phát triển rất năng động và mạnh mẽ, trong khi đó, sự hoạt động của bộ máy chính phủ lại kém hiệu quả hơn. Chính điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh và gây ra nhiều tốn kém, khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bức tranh ở Hong Kong lại hoàn toàn khác. Cũng giống như Singapore, bộ máy chính quyền và môi trường pháp lí của Hong Kong đã hoạt động rất hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Dù vậy, một thách thức lớn mà Hong Kong hiện đang rất muốn bắt tay giải quyết là việc cải thiện môi trường sống, giảm khoảng cách giàu-nghèo và tạo cơ hội việc làm cho mọi người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục