Họp Quốc hội: Giải pháp giữ chân và thu hút người lao động

Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về thị trường lao động, việc làm và cách thu hút lực lượng lao động.
Họp Quốc hội: Giải pháp giữ chân và thu hút người lao động ảnh 1Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc... là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/11.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu vấn đề dịch COVID-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng xã hội, lao động và việc làm. Qua các số liệu về lao động, các vấn đề liên quan đến làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm quay trở về quê đã làm thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp ở các địa phương có nhu cầu lao động.

"Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, Bộ đã có định hướng gì để tham mưu giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động trên? Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có kế hoạch gì để phối hợp với các bộ, ngành địa phương khắc phục hạn chế và thống nhất việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 một cách chu đáo và tốt nhất," đại biểu chất vấn.

Họp Quốc hội: Giải pháp giữ chân và thu hút người lao động ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong Báo cáo 177 ngày 8/11 giải trình các vấn đề đề ra cho phiên chất vấn, Bộ trưởng đã viết rất kỹ về các giải pháp, trong đó đề cập sâu vào giải pháp giữ chân người lao động; thu hút người lao động quay trở lại; giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về; giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết.

Theo Bộ trưởng, trước hết, phải chăm lo tốt về chính sách, đời sống, mức lương, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, phải chăm lo an sinh tốt để người lao động yên tâm nhất là vấn đề nhà ở, sinh hoạt, nơi chăm sóc con cái. Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, đó là tiêm vaccine.

Liên quan đến việc khắc phục những hạn chế an sinh xã hội về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ là phấn đấu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần.

[Chính phủ ban hành nhiều gói chính sách an sinh lớn, chưa có tiền lệ]

"Hiện nay, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh, dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương. Rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo, người yếu thế, người có công, về nước sạch và vệ sinh môi trường… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt câu hỏi đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động có kỹ năng nghề của các ngành kinh tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp của Bộ để giải quyết vấn đề trên?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ đại dịch COVID-19 tác động rất mạnh đến thị trường lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng trống việc làm do khủng hoảng là khoảng 205 triệu lao động. Vì vậy, việc đào tạo nghề, đào tạo lại lực lượng lao động là rất cần thiết.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng thời gian tới, để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, cần có các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đối với giải pháp ngắn hạn, cần tập trung hỗ trợ tốt chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 của Chính phủ; đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình, để học sinh học nghề ngay năm thứ 2, thứ 3 đã được tham gia sản xuất, được trả một phần chi phí.

Về dài hạn, phải đổi mới đào tạo nghề theo hướng mở, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp là trường học thứ hai, doanh nghiệp có trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Đối với vấn đề lao động gián đoạn, Bộ trưởng đưa ra giải pháp là điều tiết để giảm bớt thiếu hụt lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng các kịch bản. Sử dụng toàn bộ sinh viên một số trường nghề để thực hiện 3 mô hình trên; tăng cường, bồi dưỡng kỹ năng để có thể sử dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự để cung cấp, tăng cường có tính chất cấp bách, tạm thời cho một số địa bàn, lĩnh vực, công việc đặc thù. Về dài hạn, Bộ trưởng nhấn mạnh đến giải pháp phải đào tạo và đào tạo lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục