Hợp tác Singapore-Sri Lanka: Cơ hội mới trong thời khắc khó khăn

Khi Singapore cố gắng đa dạng hóa việc nhập khẩu lương thực để duy trì mức độ an toàn lương thực nhất có thể, thì Sri Lanka tìm cách chiếm lĩnh các thị trường mới, lấy lại những thị trường đã mất.
Hợp tác Singapore-Sri Lanka: Cơ hội mới trong thời khắc khó khăn ảnh 1(Nguồn: crossed-flag-pins.com)

Hình ảnh các kệ hàng siêu thị "trống rỗng" đã trở nên phổ biến trong những tuần đầu tiên của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tình trạng này xuất hiện do nhiều biên giới quốc gia bị đóng cửa và thương mại quốc tế suy giảm, gây ảnh hưởng tới các quốc gia, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu.

Trong bài viết đăng tải trên trang Interpreter của Viện nghiên cứu Lowy Australia, hai nhà phân tích đến từ Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Roshni Kapur và Chulanee Attanayake, lý giải rằng các nước buộc phải hạn chế dòng chảy của hàng hóa, bao gồm cả thực phẩm, để bảo vệ lợi ích của chính nước mình trong một cuộc khủng hoảng.

An ninh lương thực được đo lường thông qua khả năng tiếp cận thực phẩm của tất cả người dân ở mọi lúc. Singapore được xếp hạng là nước an toàn lương thực cao nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo xếp hạng của Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu (GFSI).

Tuy nhiên, Singapore rất dễ gặp gián đoạn trong chuỗi cung ứng vì nước này nhập khẩu tới hơn 90% nguồn thực phẩm. Đảo quốc Sư tử đã chứng kiến sự bất ổn gây ra tình trạng hoảng loạn và các hộ gia đình có hành động tích trữ thực phẩm.

Để tránh tình trạng mất cân bằng an ninh lương thực, vào tháng 3/2020, Singapore đã triển khai một kế hoạch dự phòng bằng cách ban hành một tuyên bố chung cấp bộ trưởng với sáu quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, nhằm giữ vững chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo điều kiện cho dòng chảy hàng hóa trong thời kỳ đại dịch.

Lĩnh vực hợp tác mới giữa Singapore và Sri Lanka

Đại dịch COVID-19 mở ra một cơ hội hợp tác mới cho Singapore và Sri Lanka. Chính phủ Singapore đã cung cấp vật tư y tế cho Colombo, bao gồm các bộ dụng cụ xét nghiệm, máy quét nhiệt, khẩu trang y tế, găng tay phẫu thuật, kính y tế và nhiệt kế hồng ngoại không tiếp xúc để hỗ trợ Colombo ngăn chặn đại dịch.

Hai nước cũng đã làm việc chặt chẽ nhằm giúp hồi hương công dân Sri Lanka hiện đang bị mắc kẹt ở Singapore. Đảo quốc Sư tử muốn thể hiện bản thân là một đối tác đáng tin cậy và tháo vát, luôn chủ động hỗ trợ những nước khác vào thời điểm cần thiết.

[Singapore: Những trọng điểm kinh tế-chính trị trong thời gian tới]

Mới đây nhất "mối giao hảo" giữa hai nước tiếp tục được mở rộng sang lĩnh vực an ninh lương thực. Vào tháng 7/2020, một cuộc hội thảo trực tuyến với sự tham gia của quan chức Sri Lanka và Singapore đã được tổ chức, để thảo luận về vấn đề hợp tác kinh doanh nông nghiệp và số hóa.

Đây được xem là một nỗ lực giúp hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ trong lĩnh vực quản lý thực phẩm. Mối quan hệ thương mại lâu đời giữa Sri Lanka và Singapore đã được minh chứng bằng một khối lượng lớn hàng hóa giao thương hai chiều, đạt 883 triệu USD trong năm 2019. Singapore cũng là nhà đầu tư lớn thứ năm của Sri Lanka trong cùng năm.

Rất nhiều công ty của Singapore tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực phát triển của nước này, bao gồm cả thực phẩm và đồ uống, du lịch, cơ sở hạ tầng và hàng tiêu dùng. Khoảng 100 công ty Singapore hiện đang hoạt động tại thị trường này.

Tập đoàn Prima là một trong những doanh nghiệp Singapore đầu tiên thiết lập hoạt động ở Sri Lanka rất sớm từ năm 1977 và đã trở thành một cái tên quen thuộc tại thị trường địa phương trong những năm qua. Doanh nghiệp này cũng đã góp phần biến Trincomalee thành trung tâm của khu vực Nam Á.

Năm 2018, một số doanh nghiệp khu vực đã ký Biên bản ghi nhớ để thiết lập sự hiện diện của họ tại Sri Lanka. Ví dụ, Art Holdings ký một thỏa thuận với Viện Gen Bắc Kinh để thành lập một trang trại nuôi cua ở Sri Lanka.

Bất chấp những thách thức, dịch bệnh COVID-19 đã thúc đẩy các nước rà soát lại những cơ hội hiện có và tận dụng những cơ hội mới. Sri Lanka, nhà xuất khẩu chủ chốt về cao su, chè và thực phẩm tươi sống/chế biến, đã bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, "khơi thông" hợp tác mới giữa Singapore và Sri Lanka có thể sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Khi Singapore cố gắng đa dạng hóa việc nhập khẩu lương thực để duy trì mức độ an toàn lương thực nhất có thể, thì Sri Lanka tìm cách chiếm lĩnh các thị trường mới, đồng thời lấy lại những thị trường đã mất.

Bước đệm cho nền kinh tế Sri Lanka

Sau chiến thắng vang dội của chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay, Sri Lanka có khả năng sẽ áp dụng chính sách đối ngoại lấy châu Á làm trọng tâm.

Sự định hướng lại của chính phủ mới cũng phản ánh những thay đổi trong cán cân quyền lực đang dịch chuyển về phía Đông của Sri Lanka. Ngoại trưởng Sri Lanka Jayanath Colombage nhấn mạnh việc nên tập trung vào khu vực châu Á lân cận và tránh xa chính sách ngoại giao lấy phương Tây làm trung tâm.

Các nước châu Á có vị trí tốt hơn để hỗ trợ Colombo trong việc giảm các khoản nợ nước ngoài và thúc đẩy chi tiêu kinh tế. Chính phủ lâm thời của Sri Lanka có quan điểm rằng việc hình thành đối tác chiến lược với các nước châu Á có thể tạo ra ít thách thức hơn so với các đối tác phương Tây.

Trong lịch sử, Sri Lanka có thể mạnh về xuất khẩu hàng may mặc sang các nước phương Tây. Tuy nhiên, nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch, xuất khẩu hàng may mặc và kiều hối từ lao động nước ngoài đã suy yếu kể từ khi đại dịch bùng phát.

Mặc dù, nhà phân tích cao cấp Hemant Shivakumar nói rằng việc Chính phủ Sri Lanka xoay trục về phía khu vực lân cận sẽ không xảy ra bằng cách gây nguy hiểm cho các mối quan hệ của nước này với các nước phương Tây, nhưng nước này sẽ không thể hoàn toàn dựa vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để làm điểm xuất khẩu chính cho ngành hàng may mặc của mình như trước kia.

Ngành nông nghiệp Sri Lanka đóng vai trò tương đối nhỏ trong cơ cấu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng ngành này đã sử dụng tới gần 1/3 lực lượng lao động quốc gia, đặc biệt là những người dân sống ở nông thôn.

Hợp tác mới giữa Singapore và Sri Lanka trong lĩnh vực an ninh lương thực có thể là bước đệm để Colombo phát triển kinh tế địa phương và tăng cường xuất khẩu lương thực sang các thị trường châu Á khác, vốn đang cố gắng duy trì an ninh lương thực ở mức có thể.

Trung Quốc là một thị trường quan trọng mà Sri Lanka có thể hướng tới, do nước này từng chứng kiến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong quá khứ.

Mặc dù Bắc Kinh đã có những cải thiện đáng kể để nâng cao năng lực nông nghiệp địa phương, nhưng vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh lương thực.

Việc Colombo xoay trục sang châu Á và quan tâm đến việc tăng cường xuất khẩu lương thực có thể giúp khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp lương thực hiện tại ở khu vực và trên toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục