Hungary hướng tới thỏa thuận tín dụng với IMF-EU

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hungary và IMF bắt đầu bước vào "cuộc thử sức mới" để hướng tới thỏa thuận tín dụng trị giá 15 tỷ euro.
Sau nhiều tháng trì hoãn do bất đồng về kế hoạch cải tổ ngân hàng gây nhiều tranh cãi, Hungary và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bước vào "cuộc thử sức mới" để hướng tới thỏa thuận tín dụng trị giá 15 tỷ euro. Theo chương trình, phái đoàn của IMF và Liên minh châu ÂU (EU) dự định tới thủ đô Budapest của Hungary để thương thảo về vấn đề liên quan trong các ngày 17-25/7.

Nỗ lực gần đây nhất của các bên đã kết thúc vào cuối tháng 12 năm ngoái, khi các chuyên gia của EU và IMF rời khỏi cuộc đàm phán về tín dụng với Budapest vì lo ngại những biện pháp cải cách sẽ hạn chế tính tự chủ của Ngân hàng trung ương Hungary. Kể từ sau vụ việc đó, Chính phủ Hungary bất đắc dĩ phải điều chỉnh luật lệ và nhận được sự ủng hộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng 6/2012.

Budapest hy vọng nguồn tín dụng trị giá 15 tỷ euro (18,2 tỷ USD) từ IMF và EU sẽ tạo điều kiện cho phép nước này có thể đi vay trên thị trường trái phiếu với lãi suất thấp hơn hiện nay. Hôm 13/7, lãi suất trái phiếu quốc gia kỳ hạn 10 năm của Hungary đã lên tới 7,85%.

Lòng tin của nhà đầu tư đối với Hungary đi xuống gần đây do các chính sách kinh tế được cho là không hợp lý mà chính phủ nước này tiến hành, trong đó có việc quốc hữu hóa các quỹ hưu trí và đánh thuế khủng hoảng đối với một số lĩnh vực như viễn thông và ngân hàng.

Cả ba hãng đánh giá tín dụng hàng đầu thế giới đều đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của Hungary xuống mức "bỏ đi" (junk, nghĩa là không nên đầu tư), khiến lãi suất trái phiếu của nước này tăng mạnh, trong khi đồng nội tệ bị suy yếu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang phải miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của EU và điều này làm tăng sự nghi ngờ về ý định của người đứng đầu chính phủ nước này. Bộ trưởng Kinh tế Hungary thậm chí chọn cách đi du lịch đúng vào ngày phái đoàn của IMF tới Budapest. Trong bài phân tích mới nhất, Viện nghiên cứu kinh tế GKI cho rằng Chính phủ Hungary có vẻ đang cố muốn IMF tránh xa khỏi Hungary.

Hiện tại, dự trữ quốc gia (vào khoảng 10 tỷ euro, tương đương 10% GDP) của Hungary vẫn đủ để giữ cho nền kinh tế hoạt động đến cuối năm 2013. Theo nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng OTP (Hungary), Gergely Tardos, đây là lý do mà nước này không vội vàng gì trong thỏa thuận với IMF.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo nếu môi trường quốc tế xấu đi, thị trường có thể gây sức ép khiến Budapest phải sớm đạt được thỏa thuận nhận hỗ trợ tín dụng có điều kiện từ IMF-EU./.

Trang Nhung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục