Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Hy Lạp và Hungary đã có động thái ngăn chặn dự thảo mới nhất về gói trừng phạt thứ 11 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga tại cuộc họp Ủy ban đại diện thường trực các nước thành viên liên minh.
Budapest và Athens đang yêu cầu loại bỏ một số công ty khỏi danh sách bị cáo buộc hỗ trợ Nga vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trước đó, trang Politico dẫn các nguồn tin cho biết cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga đã bị hoãn lại một tuần cho đến ngày 14/6.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell đã nhiều lần tuyên bố gói trừng phạt thứ 11 sẽ tập trung vào việc thắt chặt các cơ chế thực thi lệnh trừng phạt.
Theo các quan chức EU, các biện pháp trừng phạt nên được áp dụng đối với các công ty từ các nước thứ ba tái xuất hàng hóa bị trừng phạt sang Nga.
Cuối tháng Năm, một số nguồn tin ngoại giao và truyền thông châu Âu cho hay dự thảo ban đầu về gói trừng phạt mới của EC đã bị các nước thành viên EU bác bỏ và gửi lại để sửa đổi, do lo ngại các biện pháp đó sẽ chỉ làm cô lập EU trên trường quốc tế.
Trang Politico cùng ngày dẫn lời ông Jim O'Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết các lô hàng vi mạch và linh kiện điện tử quan trọng nhập khẩu vào Nga đã tăng trở lại mức trước khi xung đột bùng phát tại Ukraine.
[Nhật Bản, Mỹ nhất trí tiếp tục trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine]
EU đã triển khai 10 vòng trừng phạt Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, bao gồm các hạn chế về tài chính, thương mại cũng như các biện pháp trừng phạt cá nhân.
Theo đó, các cá nhân trong diện trừng phạt sẽ bị phong tỏa tài sản tại EU và không được cấp thị thực nhập cảnh EU.
Gói trừng phạt mới bao gồm việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu liên quan đến các loại hàng hóa có thể sử dụng vào mục đích dân sự và quân sự, cũng như các biện pháp nhằm vào một số thực thể.
Các biện pháp mới cũng tiếp tục loại một số ngân hàng của Nga, như ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và giảm hơn 10 tỷ euro thương mại giữa EU và Nga.
Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được toàn bộ các nước thành viên cần phê chuẩn.
Các quan chức ngoại giao EU trước đó cũng thừa nhận hiện không còn nhiều lĩnh vực để tiếp tục đưa ra các vòng trừng phạt./.