Huy động 15 triệu USD cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam 2017

Du lịch Việt Nam năm 2017 có nhiều hoạt động được cho là đột phá và mạnh mẽ nhằm tập trung chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hình ảnh, đặc biệt nguồn ngân sách 15 triệu USD dành cho quảng bá xúc tiến...
Huy động 15 triệu USD cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam 2017 ảnh 1Thăm quan chợ nổi Cái Răng là một trong những hoạt động ưa thích của du khách nước ngoài khi đến Cần Thơ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Một diện mạo tươi sáng với nhiều chương trình, hoạt động được cho là đột phá và mạnh mẽ nhằm tập trung chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hình ảnh của du lịch Việt Nam, thông qua nhiều chiến dịch rà soát, kiểm tra trên các lĩnh vực sẽ được Tổng cục Du lịch triển khai rầm rộ trong năm 2017.

Đặc biệt, nhận thấy hiệu quả từ việc “mang chuông đi đánh xứ người” nên các nhà quản lý đã xây dựng nhiều chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam ra nước ngoài với nguồn ngân sách được huy động lớn chưa từng có…

Để làm rõ “tinh thần” của toàn ngành du lịch năm 2017, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng, người phát ngôn chính thức của Tổng Cục Du lịch Việt Nam.

Huy động 15 triệu USD cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam 2017 ảnh 2Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, toàn ngành sẽ huy động khoảng 15 triệu USD để quảng bá xúc tiến du lịch năm 2017. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)


“Vẽ” diện mạo du lịch Việt Nam 2017


- Là một trong những cán bộ quản lý đầu ngành, ông có thể dự báo "bức tranh" du lịch năm 2017 sẽ có diện mạo thế nào?

Ông Ngô Hoài Chung: Trên đà đạt được của nền tảng và tốc độ tăng trưởng năm 2016, năm 2017 ngành du lịch Việt Nam sẽ phấn đấu đạt mục tiêu đón được 11,5 triệu khách du lịch quốc tế (tăng trưởng 11,5%), phục vụ 70 triệu khách nội địa (tăng trưởng 10-12%), và tổng thu từ du lịch phấn đấu đạt 465.000 tỷ đồng.

Có thể nói đây là mục tiêu đặt ra rất lớn và khó khăn của ngành. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng đạt được của năm 2016, với dư địa phát triển du lịch Việt Nam còn rất rộng rãi cũng như những chính sách mới mà Đảng và Nhà nước tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp du lịch cũng như tạo môi trường thông thoáng, cởi mở để đón khách du lịch, chúng ta hy vọng có thể đạt được mục tiêu này.

Huy động 15 triệu USD cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam 2017 ảnh 3Khách nước ngoài thăm quan Đà Lạt bằng tàu. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

- Vậy xin ông cho biết những thị trường nào sẽ được tập trung quảng bá xúc tiến trong năm 2017 cũng như cách thức quảng bá cho từng thị trường đó?

Ông Ngô Hoài Chung: Nếu trong năm 2016, chúng ta đón 10 triệu khách du lịch, trong đó thị trường truyền thống là Đông Bắc Á bao gồm Trung Quốc (2,7 triệu khách), Hàn Quốc (1,6 triệu khách) và Nhật Bản (gần 800.000 khách), thì năm 2017 đây vẫn là thị trường quan trọng nhất của du lịch Việt Nam.

Chúng ta tiếp tục hướng tới thị trường châu Âu, trị trường mà trong năm 2016 vừa qua với chính sách miễn thị thực đơn phương của Chính phủ Việt Nam đã giúp có bước tăng trưởng mạnh mẽ.

Những chính sách áp dụng với các thị trường trọng điểm này như sau: Thứ nhất, tiếp tục miễn visa đơn phương cho các nước châu Âu cũng như thực hiện chính sách e-visa tại cửa khẩu đối với các quốc gia được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm từ ngày 1/2/2017, nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận tiện cho khách đến Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến thông qua giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, cũng như tham gia với quy mô lớn hơn, đầu tư có chiều sâu hơn tại các hội chợ du lịch quốc tế. Qua đó, giới thiệu sản phẩm du lịch Việt Nam chất lượng, đặc sắc, điểm đến Việt Nam thân thiện, hấp dẫn du khách.

Thứ ba, thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch độc đáo để lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới, góp phần nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Việt đến các thị trường trọng điểm và thu hút khách đến với Việt Nam.

Huy động 15 triệu USD cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam 2017 ảnh 4Du khách khám phá hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

15 triệu USD cho quảng bá xúc tiến...

- Với những thị trường trọng điểm mà chúng ta sẽ tập trung quảng bá như vậy, theo ông sẽ cần xây dựng và khai thác những sản phẩm du lịch đặc thù nào để có thể “quyến rũ” được từng thị trường đó?

Ông Ngô Hoài Chung: Rất đúng, bởi thị hiếu, nhu cầu đi du lịch của từng đối tượng khách bao giờ cũng khác nhau, do nền tảng văn hóa, xu hướng và do cách giới thiệu sản phẩm du lịch của chúng ta đến từng thị trường trên thế giới, nên mỗi thị trường sẽ phải có những sản phẩm khác nhau.

Ví dụ, ở Đông Bắc Á, người dân các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản rất quan tâm tới sản phẩm du lịch biển, trong đó tập trung chủ yếu vào khu vực miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng. Vì thế, chúng ta cần đẩy mạnh giới thiệu các điểm đến này với khách của khu vực Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, để giảm áp lực, giảm tải cho Nha Trang, Đà Nẵng trong điều kiện cho phép mà vẫn đáp ứng được nhu cầu thị trường về cơ sở vật chất và năng lực quản lý ở các địa phương này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu những địa điểm mới có tiềm năng, thế mạnh như Phú Quốc, Bình Thuận, Quy Nhơn, Huế…

Căn cứ vào sở thích, nhu cầu của thị trường châu Âu, chúng tôi ưu tiên giới thiệu và đưa đến cho du khách dòng sản phẩm về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa để tạo môi trường, điều kiện cho họ khám phá tài nguyên văn hóa bản địa…

Như vậy, việc xây dựng sản phẩm để tạo sự khác biệt, phù hợp với thị hiếu của từng thị trường cũng như đưa những sản phẩm đó đến các thị trường này là nhiệm vụ rất quan trọng của công tác quảng bá xúc tiến du lịch năm 2017.

Huy động 15 triệu USD cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam 2017 ảnh 5Phố cổ Hội An. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

- Liệu chúng ta sẽ dành bao nhiêu ngân sách cho nhiệm vụ quảng bá xúc tiến du lịch đó, thưa ông?

Ông Ngô Hoài Chung: Trong năm 2017, với những nguồn lực đầu tư từ Chương trình hành động quốc gia và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, chúng ta có khoảng hơn 3 triệu USD. Và nếu huy động thêm từ các nguồn hợp tác công-tư, các nguồn xã hội hóa và các nguồn khác thì chúng ta phấn đấu có con số khoảng 15 triệu USD, để rồi từ đó phục vụ toàn diện cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam.

- Có thể nói hoạt động gây dấu ấn nhất của ngành du lịch năm 2016 là chiến dịch rà soát, chấn chỉnh chất lượng lưu trú các khách sạn 3-5 sao trên toàn quốc đồng thời kiên quyết rút sao với những khách sạn không đạt chất lượng. Vậy trong năm 2017, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục có những hành động nào mạnh mẽ hơn?

Ông Ngô Hoài Chung: 2016 được đánh giá là năm tập trung chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hình ảnh của du lịch Việt Nam, thông qua chiến dịch khảo sát, kiểm tra, đánh giá lại hệ thống cơ sở lưu trú.

Thông qua chiến dịch này, Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất thu hồi hạng của 40 khách sạn từ 3-5 sao không đạt tiêu chuẩn; đã có văn bản ra thời hạn cảnh báo và yêu cầu tiếp tục nâng cấp, chấn chỉnh hoạt động quản lý cũng như chất lượng dịch vụ của hơn 100 khách sạn.

Các hoạt động trọng tâm của ngành du lịch Việt Nam năm 2017.

Từ những kết quả đó, năm 2017 chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên và coi việc tăng cường năng lực quản lý, rà soát, chấn chỉnh lại môi trường du lịch trong đó có cơ sở lưu trú là một trong số những việc làm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước. Từ đó từng bước xác định và nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ cam kết của ngành du lịch, nhằm tạo uy tín với du khách quốc tế.

Đặc biệt, trong năm 2017, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành du lịch là tham mưu cho Bộ Trưởng để tiến hành chiến dịch kiểm tra, đánh giá, rà soát và chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động lữ hành cũng như đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; tập trung xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và coi đây là một trong những mũi đột phá, trọng tâm của việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước năm 2017.

Thực hiện các nhiệm vụ này cũng nhằm chấn chỉnh đội ngũ lữ hành và hướng dẫn viên, để làm sao các công ty lữ hành phải thực sự có đủ năng lực, có kinh nghiệm và uy tín kết nối với các thị trường trên thế giới trong việc tổ chức đưa khách ra nước ngoài cũng như đón khách quốc tế vào Việt Nam.


- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục