Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016

Năm 2016 được đánh giá là năm có nhiều thành tựu của ngành du lịch Việt Nam với kỷ lục đón 10 triệu khách quốc tế, và nhiều dấu ấn mang tính lịch sử chưa từng có.
Kỷ lục về lượng khách quốc tế
Năm 2016, du lịch Việt Nam cán mốc 10 triệu khách quốc tế, tăng 25% so với năm 2015, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2 mốc kỷ lục từ trước đến nay là: tổng số khách nhiều nhất trong 1 năm (10 triệu lượt khách), và mức tăng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015).

Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 1Khách du lịch thăm quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Du lịch chính thức thành ngành kinh tế mũi nhọn
Du lịch Việt Nam nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước cùng những sự kiện ghi dấu ấn trong lịch sử của ngành: ngày 16/12/2016, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về đề án “Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tháng 12. Đây là cơ hội để du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại thành phố Hội An vào tháng ​Tám. Chỉ đạo của Thủ tướng về các vấn đề then chốt nhằm tháo gỡ khó khăn là tiền đề để tạo sự chuyển biến cơ bản về phát triển du lịch trong thời gian tới.
Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 2Tràng An ở tỉnh Ninh Bình là khu du lịch thu hút rất đông du khách. (Ảnh: TTXVN)
Tổng thanh tra cơ sở lưu trú của 47 tỉnh, thành phố
Năm 2016, ngành du lịch đã tổ chức 16 Hội nghị quán triệt chủ trương, chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú với sự tham gia của 47 tỉnh, thành phố, tổng kiểm tra cơ sở lưu trú tại 22 tỉnh, thành phố là địa bàn du lịch trọng điểm. Kết quả, thu hồi hạng sao đối với 36 cơ sở lưu trú từ 3-5 sao không đảm bảo tiêu chuẩn.

Thành lập nhiều đoàn kiểm tra, nắm tình hình và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành cũng như giám sát hoạt động hướng dẫn du lịch vào thời kỳ cao điểm khách du lịch tập trung đến các tỉnh miền Trung.

Xây dựng các đề án “Tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch,” “Tăng cường công tác quản lý về lữ hành và hoạt động của hướng dẫn viên,” “Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch” nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý tổng thể trên cả nước…
Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 3Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc giao lưu với du khách ở Hội An. (Ảnh: TTXVN)
Hạ tầng du lịch cao cấp phát triển mạnh mẽ
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện đón khách du lịch nghỉ dưỡng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày từ các thị trường trọng điểm.

Năm 2016 đánh dấu hàng loạt hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí mới, hiện đại đạt đẳng cấp quốc tế của các nhà đầu tư có tiềm lực như Sun Group, Vin Group, Mường Thanh, FLC, TTC… được đưa vào hoạt động nhằm gia tăng giá trị và hiện đại hóa cơ sở vật chất cho ngành du lịch.

Trong năm 2016 đã có 75 cơ cơ sở lưu trú trong phân khúc 3-5 sao được công nhận mới.
Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 4Trong năm 2016 đã có 75 cơ cơ sở lưu trú trong phân khúc 3-5 sao được công nhận mới. (Ảnh: Như Nam/Vietnam+)
Chiến dịch xúc tiến quảng bá rầm rộ
Năm 2016, ngành du lịch đã tập trung nguồn lực cho hoạt động quảng bá xúc tiến ở nước ngoài với việc tham gia 10 Hội chợ Du lịch quốc tế; tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại 16 thành phố của Trung Quốc và tại nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Cộng hòa Czech, Indonesia, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Australia, Kazakhstan, Uzbekistan, Thái Lan; đón đoàn famtrip của tập đoàn Der Touristik và tổ chức hội nghị gồm 220 đại diện các hãng lữ hành của Đức, Áo và 09 đoàn doanh nghiệp, báo chí đến từ các thị trường lớn.

Trong nước, đã tổ chức thành công ba Hội chợ Du lịch quốc tế tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; Festival Huế và đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao.

Lần đầu tiên, ngành du lịch đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện chương trình quảng bá về du lịch (VTVtrip) nhằm giới thiệu hình ảnh các điểm đến trên kênh truyền hình quốc gia, đồng thời công bố đưa vào hoạt động trang web vietnamtourism.vn với giao diện và nội dung mới phục vụ quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức chiến dịch Why Vietnam, khởi động dự án Super selfie…
Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 5Khách du lịch quốc tế tìm hiểu thông tin du lịch Việt Nam tại một gian hàng. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Liên kết, phát triển sản phẩm du lịch mới
Năm Du lịch Quốc gia 2016-Phú Quốc-Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những kết quả tích cực. Số lượng khách và tổng doanh thu du lịch trong vùng đều tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã nỗ lực gắn kết để phát huy tiềm năng du lịch, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách: liên kết của 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc-Nam Trung bộ; các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ với Hà Nội; Hà Nội với Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam; Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk; Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam; Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh-Quảng Bình.
Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 6Lễ hội làng Triều Khúc (Hà Nội) diễn ra từ mùng 9/1-12/1 Âm lịch. (Ảnh có tính minh họa - Minh Sơn/Vietnam+)
Khắc phục sau sự cố môi trường biển miền Trung
Thông qua hai hội nghị kích cầu du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Du lịch tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch các tỉnh miền Trung tại Udothani và Bangkok (Thái Lan).

Hai đoàn khảo sát dành cho doanh nghiệp và báo chí đến các tỉnh miền Trung để chứng kiến môi trường đã được phục hồi, an toàn du khách lịch nhằm thu hút khách đến các địa phương này.
Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 7Hoàng hôn trên Đầm Chuồn, một phần trong hệ thống đầm phá Tam Giang. (Ảnh có tính minh họa - Hồ Cầu/TTXVN)
Miễn visa và triển khai visa điện tử
Đề án visa điện tử và sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2017, đã được Quốc hội thông qua để thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 2 năm tới.

Visa điện tử ấn định sẽ có câu trả lời trong ba ngày về việc xin cấp visa, hiệu lực visa 30 ngày thay vì 15 ngày như trước, không giới hạn thị trường; phí visa trả trực tiếp qua hệ thống tài khoản ngân hàng sẽ giúp tránh được những khoản phí trung gian không cần thiết; cơ quan thực hiện sẽ là cơ quan Xuất nhập cảnh của Bộ Công an; đặc biệt, đơn xin cấp visa không cần phải thư bảo lãnh hay thư mời.

Đặc biệt, khách đến từ các thị trường Tây Âu được miễn visa gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha cũng đã tăng trưởng khá cao, tới 30 % như thị trường Italy.

Ngoài 5 nước Tây Âu được miễn visa kể trên, hiện Việt Nam vẫn đang miễn thị thực đơn phương cho khách Bắc Âu như Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển. Riêng thị trường khách Nga cũng tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Những dấu ấn đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2016 ảnh 8Visa điện tử được nhiều nước áp dụng. (Ảnh có tính minh họa/ Nguồn: AFP)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục