Ngày 29/8, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết nồng độ chất phóng xạ triti trong nước thải xả ra biển từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản dưới mức dự kiến và không gây nguy hại đối với cư dân.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Grossi phát biểu trong chuyến thăm Stockholm (Thụy Điển) nêu rõ: “Đến nay chúng tôi đã có thể xác nhận rằng nước xả thải đợt đầu tiên không chứa chất phóng xạ ở bất cứ mức nào có thể gây hại."
IAEA sẽ tiếp tục giám sát cho đến khi lượng nước thải cuối cùng từ nhà máy Fukushima xả ra biển.
[Nước thải từ Fukushima không nguy hiểm song cần sự giám sát quốc tế]
Trước đó, ngày 24/8, IAEA cho biết kết quả phân tích độc lập của tổ chức này cho thấy nồng độ chất phóng xạ triti trong nước thải đã pha loãng từ nhà máy Fukushima thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép là 1.500 becquerel/lít. Mức này cũng thấp hơn so với tiêu chuẩn an toàn quốc gia của Nhật Bản.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy này, đã phải xử lý ô nhiễm phóng xạ hơn 1 triệu tấn nước thải trong quy trình làm mát lò phản ứng. Lượng nước thải này đã được loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, trừ chất triti.
Lượng triti còn lại được pha loãng đến tỷ lệ 1/40, mức cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản, trước khi được xả ra Thái Bình Dương qua một đường ống ngầm dài 1 km từ nhà máy trên.
Các chuyên gia cho biết lượng triti trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển./.