Trong báo cáo công bố ngày 20/9, Cơ quan Năng lượng thế giới (IEA) cho rằng nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thiểu khí phát thải và hạn chế nhiệt độ tăng đang bị đe dọa do thiếu sự hợp tác giữa các nước về chia sẻ và phát triển công nghệ mới.
Báo cáo có tựa đề Chương trình nghị sự đột phá (Breakthrough Agenda) nói rõ sự hợp tác toàn cầu sẽ giúp tiến độ chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn với chi phí hợp lý hơn đối với tất cả các nước.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cảnh báo nếu không có sự hợp tác này giữa các nước, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể bị trì hoãn trong nhiều thế kỷ.
Báo cáo cũng chỉ rõ các nước nên đẩy nhanh sự phối hợp trong việc cắt giảm khí phát thải và thực hiện 25 khuyến nghị, trong đó có tăng cường mạng lưới điện xuyên biên giới nhằm hỗ trợ các nước mua năng lượng carbon thấp như phong điện hay điện Mặt Trời.
IEA cho rằng các quốc gia nên nhất trí về một thời điểm chung mà theo đó tất cả phương tiện mới đều là phương tiện xanh, không phát thải, ví dụ như ôtô điện và xe bán tải điện vào năm 2035 và xe tải hạng nặng vào năm 2040.
Bên cạnh đó, các nước cũng cần hợp tác để tăng sản lượng thép carbon thấp từ mức chưa tới 1 triệu tấn hiện này lên mức hơn 100 triệu tấn vào năm 2030.
[LHQ: Thế giới cần nỗ lực hơn để trở lại lộ trình phát triển bền vững]
Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ và các quốc gia châu Âu đang tìm cách đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới mốc 2 độ C và điều này buộc các nước phải thực hiện nhiều thay đổi lớn trong quá trình sản xuất năng lượng, vận tải và sản xuất lương thực.
Báo cáo của IEA cũng chỉ ra một số thành tựu đạt được trong việc thúc đẩy năng lượng xanh và cắt giảm khí phát thải, gồm doanh số xe điện tăng gấp đôi trong năm 2021, lên mức 6,6 triệu chiếc.
IEA cũng dự báo công suất năng lượng tái tạo trong năm 2020 sẽ tăng 8% so với năm ngoái, vượt mức 300 GW và có thể cung cấp đủ điện cho khoảng 225 triệu hộ gia đình.
Lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất điện, vận tải đường bộ, sản xuất thép, khí hydro và hoạt động nông nghiệp chiếm tới 60% tổng lượng khí thải toàn cầu và IEA cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ xanh, cũng như cắt giảm lượng khí thải khổng lồ trong 5 lĩnh vực này để có thể đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng ở ngưỡng 1,5 độ C vào năm 2030 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo "Chương trình nghị sự đột phá" được thực hiện theo yêu cầu lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) hồi năm ngoái nhằm đánh giá những tiến bộ trong việc chuyển đổi năng lượng và thực hiện các cam kết khí hậu./.