ILO: Nền kinh tế cần tập trung vào nhu cầu xã hội

Tổng Giám đốc ILO nêu rõ nền kinh tế thế giới đương đại tập trung quá nhiều vào tài chính mà lãng quên các nhu cầu của xã hội.
Ngày 6/6, tại diễn đàn Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 101 ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Juan Somavia, nêu rõ nền kinh tế thế giới đương đại tập trung quá nhiều vào tài chính mà lãng quên các nhu cầu của xã hội.

Vì vậy, để chuyển mô hình tăng trưởng không hiệu quả của nền kinh tế thế giới hiện nay, các nước cần xác định lại những ưu tiên cũng như các đức tin chính trị để vượt qua những giáo điều của quá khứ.

Ông Somavia cho rằng thế giới đương đại có quá nhiều tư tưởng để xây dựng các chính sách nhưng lại có quá ít lòng trắc ẩn dành cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 không phải là một "biến cố" trên con đường phát triển an toàn hơn của thế giới mà là hậu quả đã được tích tụ từ các mô hình toàn cầu hóa được hình thành giá trị từ thập kỷ 1980, được đẩy nhanh trong thập kỷ 1990 và cho đến nay đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Hơn 30 triệu người đã bị mất việc làm kể từ khi khủng hoảng bùng nổ năm 2008 và gần 40 triệu người trên thế giới ngừng mọi cố gắng tìm kiếm việc làm khi không còn hy vọng có việc làm.

Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh triển vọng khủng hoảng vẫn dai dẳng hoặc phục hồi chậm chạp trong vài năm tới có thể giúp khơi dậy tiềm năng sáng tạo nếu các chính phủ xác định lại đúng các ưu tiên phát triển. Tăng trưởng dù là nhân tố không thể thiếu nhưng không còn là tiêu chuẩn then chốt để đánh giá nền kinh tế thế giới.

Tạo việc làm có chất lượng, đặc biệt cho thanh niên, giảm đói nghèo và các việc làm không chính thức, thúc đẩy phát triển các tầng lớp trung lưu cũng như cung cấp sự tiếp cận công bằng các cơ hội cần phải coi là các tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá thành công của nền kinh tế.

Hiệp ước việc làm toàn cầu của ILO năm 2009 có thể là công cụ hữu ích trong quá trình này. Hiệp ước đã đề xuất nhiều sáng kiến giúp phản ứng hiệu quả trước khủng hoảng để các nước có thể áp dụng cho các nhu cầu hoặc tình huống đặc biệt./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục