IMF: Iceland có thể không đáp ứng chỉ tiêu ngân sách

IMF cảnh báo Iceland có thể không đáp ứng được các chỉ tiêu ngân sách do ảnh hưởng từ những biện pháp nhằm vượt qua khủng hoảng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 7/8 cảnh báo rằng Iceland có thể không đáp ứng được các chỉ tiêu ngân sách vì những biện pháp mà nước này thực thi nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng đang làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.

Theo báo cáo định kỳ hàng năm của IMF, với xu hướng hiện nay, tăng trưởng của Iceland thấp hơn dự báo, chi tiêu quá lớn trong khi thu ngân sách thấp hơn dự kiến, và Iceland sẽ không thể đạt chỉ tiêu thâm hụt ngân sách năm 2013.

IMF bày tỏ hoài nghi về một số chính sách ưu tiên mà chính phủ theo đường lối trung hữu của Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson, vừa nhậm chức tháng 5 vừa qua, đưa ra.

Thể chế tài chính quốc tế này cho rằng mục tiêu hiện nay về cân bằng ngân sách năm 2014 cũng có thể chịu nhiều sức ép do những cam kết bầu cử quá lạc quan, như đơn giản hóa hệ thống thuế, giảm thuế, cải thiện tình trạng nợ nần của các hộ gia đình...

[IMF lưu ý vấn đề nợ của các hộ gia đình ở Iceland]

Đề cập đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cả IMF và Iceland đều đưa ra dự báo gần như nhau, lần lượt là 1,8% và 1,9% cho năm 2013.

Tuy nhiên, IMF cho rằng Iceland sẽ chỉ đạt tăng trưởng 2,1% trong năm 2014, trong khi Reykjavik dự báo mức tăng trưởng tới 3% cho tài khóa tới.

IMF nhấn mạnh quốc gia nằm ngoài EU này vẫn chỉ đạt những tiến bộ hạn chế về bãi bỏ biện pháp kiểm soát vốn được áp đặt từ năm 2008.

Tuy năng lực của các ngân hàng đã được cải thiện, song hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc vào các nguồn vốn và tiền gửi ngắn hạn hiện đang khan hiếm do các biện pháp kiểm soát này.

Theo IMF, "di sản" của cuộc khủng hoảng tài chính tại Iceland tiếp tục gây ra những thách thức lớn buộc nước này phải giải quyết triệt để nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tại Iceland năm 2009 là do làn sóng vay tiêu dùng của các hộ gia đình cùng với các khoản vay của ngân hàng lớn, khiến tình trạng lạm phát tăng cao trong khi đồng krona giảm giá mạnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục