Indonesia chuẩn bị lộ trình sống chung với dịch bệnh trong nhiều năm

Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện một dự án thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số trong thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông, du lịch, tôn giáo và giáo dục.
Indonesia chuẩn bị lộ trình sống chung với dịch bệnh trong nhiều năm ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho sinh viên tại Surabaya, Đông Java, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Truyền thông Indonesia ngày 10/8 cho biết Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cho Bộ Y tế chuẩn bị lộ trình sống chung với COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh này còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay chỉ thị nói trên được đưa ra xuất phát từ nhận định rằng dịch COVID-19 có khả năng còn tồn tại ở Indonesia trong một thời gian dài.

Ông Budi khẳng định trong lộ trình sống chung với COVID-19, các quy định phòng dịch cần đảm bảo việc vận hành các hoạt động kinh tế một cách bình thường. Theo đó, Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện một dự án thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số trong sáu lĩnh vực gồm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông, du lịch, tôn giáo và giáo dục.

Hiện Bộ Y tế Indonesia đã nhận được các chỉ đạo định hướng nhằm đảm bảo rằng các quy định phòng dịch sẽ "đồng hành với cuộc sống hàng ngày" của người dân trong giai đoạn tới dựa trên việc áp dụng công nghệ thông tin.

[Dịch COVID-19: Indonesia tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế xã hội]

Theo ông Budi, Tổng thống Widodo đã quyết định rằng ứng dụng PeduliLindung hiện nay sẽ được phát triển thành nền tảng triển khai các quy định phòng dịch, bắt đầu trong tuần này, tại một số trung tâm thương mại với sự hợp tác của các hiệp hội ngành nghề.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Jakarta thông báo đã nâng mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 lên 11 triệu người, từ mức 8,8 triệu người trước đó.

Phó Thống đốc Jakarta - ông Ahmad Riza Patria cho biết việc nâng mục tiêu nói trên nhằm đảm bảo rằng tất cả người dân Jakarta đều được tiêm chủng. Theo ông Riza, mục tiêu mới hoàn toàn phù hợp với khả năng của chính quyền thành phố.

Sở Y tế Jakarta cho biết hiện thành phố này có thể cung cấp vaccine cho 100.000 người/ngày.

Tính đến chiều 10/8, đã có 8.507.635 người dân thủ đô đã được tiêm mũi thứ nhất vaccine ngừa COVID-19, trong khi 3.532.646 người đã được tiêm đầy đủ hai mũi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục