Indonesia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bùng phát

Trong 24 giờ qua, Indoensia ghi nhận 21.095 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á lên 2.093.962 ca, trong đó có 56.729 ca tử vong.
Indonesia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/6, Bộ Y tế Indonesia công bố số liệu cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 21.095 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 2.093.962 ca.

Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 358 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 56.729 ca.

Hiện Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Indonesia đang nỗ lực ứng phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh cùng với sự gia tăng các ca bệnh nặng trong số các nhân viên y tế.

Trước dó, số ca nhiễm trên cả nước đã tăng cao, vượt mốc 2 triệu ca vào ngày 21/6, khiến tỷ lệ nằm viện tăng lên hơn 75% tại thủ đô và nhiều khu vực có dịch.

Ngày 26/6, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế của Malaysia, ông Azmin Ali, cảnh báo lệnh phong tỏa toàn quốc ở nước này khó có thể chuyển sang giai đoạn hai - giai đoạn phòng chống dịch, nếu số ca mắc mới COVID-19 không giảm xuống dưới 4.000 ca.

[Malaysia phát hiện thêm các biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2]

Ông Azmin cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Malaysia không giảm và vẫn ở mức cao, do đó chính phủ liên bang quyết định việc chuyển giai đoạn sẽ dựa trên ba chỉ số thay vì sử dụng thời hạn như trước đây.

Để bước sang giai đoạn hai cần đáp ứng điều kiện bảy ngày liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức dưới 4.000 ca, số ca phải điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm chủng.

Hiện nay, số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Malaysia vẫn trên 4.000 ca, tỷ lệ sử dụng giường điều trị tích cực các nơi vẫn từ 90-100% và mới chỉ có 6% dân số được tiêm chủng. Do đó, Chính phủ Malaysia cần phải tiếp tục đánh giá dựa trên tình hình thực tế.

Malaysia đang thực hiện giai đoạn một của Lệnh phong tỏa toàn diện (FMCO) để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Giai đoạn một của FMCO dự kiến kết thúc vào ngày 28/6.

Cùng ngày, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và sáng tạo Malaysia kiêm Bộ trưởng Điều phối Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 Khairy Jamaluddin thừa nhận một số trung tâm tiêm chủng không có đủ nguồn cung vaccine do nhu cầu sử dụng cao.

Phát biểu họp báo, ông Khairy cho biết Malaysia đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, do vậy một số trung tâm tiêm chủng đã hết vaccine dự trữ. Tuy nhiên, tình hình sẽ khả quan hơn vào tháng Bảy tới khi Malaysia tiếp nhận thêm nhiều nguồn cung cấp vaccine.

Ngày 25/6, Malaysia tiêm chủng cho 215.958 người, trong đó có 148.380 người tiêm mũi một. Tới nhày 25/6, Malaysia đã tiêm chủng được cho 7.039.072 người, trong đó có 1.966.358 người hoàn thành tiêm hai mũi, chiếm 6% dân số và 5.072.714 người tiêm mũi một, chiếm 15,5% dân số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục