INF - Một hiệp ước hạt nhân không thể gượng ép

Theo nhận định của trang mạng bloomberg.com, Mỹ và Nga ngày càng tỏ ý coi thường các thỏa thuận sẵn có và gần như không có ý định thúc đẩy các thỏa thuận mới để thay thế.
INF - Một hiệp ước hạt nhân không thể gượng ép ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Foreign Policy)

Theo nhận định của trang mạng bloomberg.com, Mỹ và Nga ngày càng tỏ ý coi thường các thỏa thuận sẵn có và gần như không có ý định thúc đẩy các thỏa thuận mới để thay thế.

Những tranh cãi của các cường quốc hạt nhân về Hiệp ước phòng thủ các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987 nói lên nhiều điều hơn những thỏa thuận thông thường khác. Mâu thuẫn làm dấy lên câu hỏi rằng liệu các hiệp ước có còn phù hợp hay không khi một số nhà lãnh đạo không có ý định tuân thủ cam kết, còn những đối tác khác lại không đủ sức ngăn cản hay thách thức họ.

Ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Nga có thời hạn 2 tháng để chứng minh rõ việc tuân thủ INF nếu không Mỹ sẽ chính thức rút khỏi INF. Đặc biệt, Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn Nga tiêu hủy tên lửa SSC-8 hay 9M729, loại vũ khí mà các nước này cho rằng có tầm bắn vượt quá quy định của hiệp ước. Trong khi đó Nga khẳng định tầm bắn của 9M729 vẫn trong phạm vi cho phép của INF.

Moskva cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận, cụ thể là theo Bộ Ngoại giao Nga, hệ thống Aegis, nhiều phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa và chương trình máy bay không người lái của Mỹ không những vi phạm nội dung mà cả tinh thần của INF.

Moskva không có ý định nhượng bộ và dường như tin rằng hiệp ước này đã “chết.” Ngày 6/12, Tổng tham mưu trưởng của Nga Valery Gerasimov nói với giới quân sự nước ngoài tại Moskva rằng nếu Mỹ từ bỏ hiệp ước, Nga sẽ lên kế hoạch tấn công bất kỳ quốc gia nào mà Mỹ triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung. Đe dọa này có thể dẫn tới những bế tắc tương tự cuộc đối đầu diễn ra vào những năm 1980 giữa Liên bang Xôviết và các thành viên châu Âu của NATO vốn chấp nhận để Mỹ triển khai tên lửa Pershing II trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, những căng thẳng này chỉ là bề nổi của một bức tranh phức tạp hơn. Cả “tối hậu thư” và những phản ứng cứng rắn của cả hai bên đều cho thấy Mỹ muốn thể hiện rằng họ đã đưa ra một cảnh báo ở mức vừa phải cho Nga, còn Nga lại muốn nói với thế giới rằng Mỹ đang có ý định phá bỏ một hiệp ước ràng buộc họ quá nhiều. Điều quan trọng hơn, những tranh cãi đều xoay quanh mức độ tự nguyện tuân thủ các thỏa thuận ràng buộc chung của cả hai phía.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần thể hiện rằng lợi ích mới là thứ ông quan tâm hơn cả so với những thỏa thuận đã có trước đó. Ông nhìn nhận việc sáp nhập một phần lãnh thổ từng thuộc về Ukraine hay việc Nga chặn tàu biển của Ukraine tiến vào các khu cảng ở Biển Azov là những cân nhắc an ninh hay địa chính trị chính đáng, và đáng được ưu tiên hơn những văn bản mà các lãnh đạo tiền nhiệm đã ký. Việc Putin có tuân thủ thỏa thuận hay không phụ thuộc vào việc liệu ông có thể phớt lờ chúng ở mức độ nào. Điều này càng khiến người ta khó có thể đàm phán bất kỳ thứ gì với nhà lãnh đạo Nga, bởi ông không ít lần khẳng định rằng những cơ chế bắt buộc như trừng phạt kinh tế cũng khó có thể buộc Nga thay đổi thái độ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không mấy mặn mà với việc bị ràng buộc bởi các thỏa thuận dù là song phương hay đa phương. Trump chỉ cảm thấy sức ép phải tuân thủ thỏa thuận khi ông nhận thấy Mỹ sẽ có được những lợi ích tương ứng. Quan điểm này đã thúc đẩy ông tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trong khi từ chối xem xét thỏa thuận hạt nhân Iran. Trump tiếp cận các đối tác đàm phán bằng cách đe dọa về cuộc đối đầu một mất một còn, phiên bản cứng rắn hơn của vị thế bá quyền truyền thống của Mỹ trên cả mọi khía cạnh luật pháp quốc tế.

Mọi thỏa thuận giữa Mỹ và Nga thường là diễn ra giữa cá nhân, một thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo phản ánh hiện trạng mối quan hệ của riêng họ. INF là kết quả thỏa thuận giữa Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Xôviết Mikhail Gorbachev. Bất chấp những bất đồng, và thậm chí là cả những thách thức về kinh tế ngày càng lớn mà Gorbachev phải đối mặt, hai bên đều có chung mục tiêu là tìm kiếm hòa bình lâu dài. Hiệp ước kiểm soát vũ khí mà họ ký, nhiều lần khiến đối phương ngạc nhiên vì những gì mà phía bên kia sẵn sàng từ bỏ, phản ánh ý định này. Và thực tế là dù thiếu vắng các cơ chế ràng buộc mạnh mẽ, song Reagan và Gorbachev vẫn có thể tin tưởng lẫn nhau vì họ cùng có chung mục tiêu.

Điều tương tự cũng diễn ra giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin cùng những người đồng cấp là 2 đời Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và Bill Clinton. Mối liên hệ này đảm bảo rằng những thỏa thuận cũ vẫn tồn tại và các thỏa thuận mới được ký kết. Người ta có thể cho rằng sự yếu thế của Nga khi đó là một nhân tố quan trọng, song ở thời điểm hiện tại, Nga vẫn “dưới cơ” Mỹ rất nhiều và không hề có ý định duy trì các thỏa thuận này.

Thỏa thuận cá nhân giữa các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ là điều bất khả thi trong nhiều năm qua bởi hàng loạt lý do, nhất là vì những mâu thuẫn về mục tiêu. Tuy nhiên, người ta cho rằng nhìn chung các thỏa thuận không còn hiệu quả như trong vài thập kỷ trở lại đây. Trong một bài bình luận có tiêu đề "Cuộc sống trong một Thế giới đổ nát," một nhóm trí thức thuộc viện nghiên cứu chính sách Valdai, viết: “Xét cho cùng, các mối quan hệ quốc tế đang đi theo hướng ngày càng ít tương tác mang tính ràng buộc. Mọi người bắt đầu có suy nghĩ rằng hòa bình vẫn có thể được đảm bảo ngay cả trong bối cảnh xung đột chính trị giữa các quốc gia.”

Đó là một lời bào chữa dễ hiểu cho thái độ thiếu coi trọng của Tổng thống Putin đối với các thỏa thuận. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh một thực tế rằng các thỏa thuận khó có thể khả thi khi không có bất kỳ mối đe dọa nào đủ nghiêm trọng như nguy cơ chiến tranh. Điều này không chỉ đúng với các thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, mà còn đúng với những gì diễn ra giữa Mỹ và châu Âu, hay trong chính nội bộ châu Âu.

Trong bài bình luận nói trên, các tác giả cho rằng nhiều quốc gia ngày càng ích kỷ trong các mối quan hệ. Câu hỏi đặt ra là mối đe dọa nào có thể buộc các nhà lãnh đạo thế giới đầy mâu thuẫn này bắt đầu tính đến chuyện phải có những thỏa thuận mang tính ràng buộc. Một mâu thuẫn quân sự đe dọa làm nảy sinh xung đột toàn cầu? Hay nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện? Trước khi người ta tìm được đáp án cho những câu hỏi này, có thể thấy rằng không một thỏa thuận nào, dù là đơn phương hay đa phương, có thể gánh đỡ áp lực.

INF, nếu ở vào những thời điểm thuận lợi hơn, hẳn đã có thể được thảo luận một cách tích cực và được sửa đổi hợp lý bởi hai nhà lãnh đạo tin tưởng vào các giải pháp đôi bên cùng có lợi, suy cho cùng chỉ là một trong những trường hợp như vậy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục