IOM giải cứu hàng chục nghìn người di cư tại Niger

Trong ba năm qua, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã giải cứu gần 20.000 người di cư bất hợp pháp tại sa mạc Sahara, đoạn nằm trên lãnh thổ của Niger.
IOM giải cứu hàng chục nghìn người di cư tại Niger ảnh 1Trẻ em Somalia tại một trại tị nạn ở Mogadishu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ngày 25/6 cho biết trong ba năm qua tổ chức này đã giải cứu gần 20.000 người di cư bất hợp pháp tại sa mạc Sahara, đoạn nằm trên lãnh thổ của Niger, trong đó chỉ tính riêng trong ngày 15/6 vừa qua đã có 406 người di cư thuộc diện này đến từ 14 quốc gia ở khu vực Tây Phi.

Theo IOM, những người di cư được giải cứu gần đây nhất chủ yếu mang các quốc tịch Côte d'Ivoire, Guinea và Mali, trong đó có bảy phụ nữ và bốn trẻ em. Những người này đã được đưa về các trung tâm tiếp nhận người di cư của IOM và tại đây, họ được cho ăn uống, chăm sóc sức khỏe và được tư vấn về tâm lý xã hội trước khi được hồi hương.

Cũng theo IOM, những người di cư trong quá trình vượt sa mạc Sahara thường chết do đói và khát vì những lý do như bị những đối tượng buôn bán người bỏ rơi, phương tiện chuyên chở họ bị hỏng hóc hoặc bị lạc đường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể biết chính xác số người chết trong những hoàn cảnh như vậy.

[1/3 số người dân châu Phi nung nấu ý định rời bỏ quê hương]

Hoạt động giải cứu người di cư nói trên là sứ mệnh nhân đạo lần thứ 189 của IOM tại phần sa mạc Sahara ở Niger. Trước đó, Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou cho biết số người di cư đi qua nước này để tới Libya đã giảm xuống từ 150.000 người mỗi năm xuống còn dưới 10.000 người/năm nhờ những nỗ lực ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp, trong đó có việc thực thi luật chống buôn bán người.

Do tình trạng bất ổn an ninh và hỗn loạn kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Moamer Gaddafi bị lật đổ, Libya đã trở thành điểm trung chuyển chính của hàng nghìn người di cư châu Phi nuôi hy vọng vượt Địa Trung Hải để tới các bờ biển châu Âu nhằm chạy trốn đói nghèo và xung đột ở quê nhà.

Trong những năm qua, Libya đã hợp tác với giới chức châu Âu để ngăn chặn dòng người di cư, tuy nhiên trong thời gian gần đây, do thời tiết thuận lợi hơn nên số lượng người di cư vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu không ngừng gia tăng, đặc biệt là ngoài khơi bờ biển phía Tây của Libya.

Theo số liệu thống kê mới nhất của IOM, số người di cư này hiện đã giảm đáng kể so với năm 2017, năm được ghi nhận có nhiều người di cư nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục