1/3 số người dân châu Phi nung nấu ý định rời bỏ quê hương

Rất nhiều cư dân tại đa số các quốc gia châu Phi đang mong muốn có cơ hội di cư, trong đó người dân Zimbabwe và Lesotho dường như "nóng lòng" nhất.
Người di cư chờ được cứu trên biển ngoài khơi Libya, ngày 12/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư chờ được cứu trên biển ngoài khơi Libya, ngày 12/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn báo cáo của Tổ chức nghiên cứu độc lập Afrobarometer, cho biết có tới 1/3 số người dân ở châu Phi đang nung nấu ý định di cư và đa phần trong số này là những người ở độ tuổi trưởng thành và có học thức.

Việc khảo sát thực địa nói trên được thực hiện đối với hơn 45.000 người sống tại 35 quốc gia châu Phi trong giai đoạn 2016- 018.

Báo cáo của Afrobarometer cho biết rất nhiều cư dân tại đa số các quốc gia châu Phi đang mong muốn có cơ hội di cư, trong đó người dân Zimbabwe và Lesotho dường như "nóng lòng" nhất.

Ngoài ra, các quốc gia có tỷ lệ người mong muốn được di cư ở mức cao là Cape Verde và Sierra Leone (57%), Gambia (56%), Togo, São Tomé và Prínciple (cùng 54%).

[EC chỉ trích Hungary bóp méo sự thật về vấn đề người di cư]

Theo Afrobarometer, 30% số người được khảo sát cho biết họ mong muốn di cư đến một quốc gia phát triển hơn tại châu Phi, 27% muốn được sinh sống tại châu Âu và 22% muốn sang định cư tại Bắc Mỹ.

Trong số người bày tỏ ý định rời bỏ đất nước, 44% nêu lý do ra đi vì muốn tìm những cơ hội việc làm tốt hơn trong khi 29% muốn thoát khỏi tình trạng nghèo đói và cùng cực ở quốc gia sở tại.

Tuy nhiên, báo cáo của Afrobarometer không bao gồm việc khảo sát tại Nam Sudan và Libya, hai quốc gia hiện vẫn đang chìm trong nội chiến và xung đột. Theo thống kê của Liên hợp quốc, riêng tại Sudan, xung đột liên miên trong gần 10 năm qua đã khiến 2 triệu người phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn.

Số liệu thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy trong năm 2018, có ít nhất 650 người di cư châu Phi đã thiệt mạng trong hành trình vượt Địa Trung Hải tới các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), tăng gần gấp 3 lần so với của cả năm 2017.

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, tính đến cuối năm 2018, số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục