Iran: Cuộc họp khẩn tại Vienna chưa đáp ứng được kỳ vọng

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết cuộc họp khẩn về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna (Áo) đã đạt được "bước tiến" trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận, song kết quả này vẫn chưa đủ.
Iran: Cuộc họp khẩn tại Vienna chưa đáp ứng được kỳ vọng ảnh 1Quang cảnh cuộc họp khẩn về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 28/6, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết cuộc họp khẩn về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna (Áo) đã đạt được "bước tiến" trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận, song kết quả này vẫn chưa đủ đối với Tehran.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp với các nhà ngoại giao Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc - những nước còn lại trong Nhóm P5+1, ngoại trừ Mỹ, ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Thứ trưởng Araghchi cho biết kết quả cuộc họp đạt tiến bộ, song vẫn "chưa đáp ứng được kỳ vọng của Iran."

Về quyết định của Iran ngừng tuân thủ một số giới hạn nhất định đối với nguyên liệu hạt nhân trong khuôn khổ của thỏa thuận, Thứ trưởng Araghchi nói: "Quyết định thu hẹp cam kết của chúng tôi đã được đưa ra tại Iran và chúng tôi tiếp tục tiến trình đó nếu những kỳ vọng của chúng tôi không được đáp ứng."

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh ban lãnh đạo cấp cao tại Tehran sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.

Ngoài ra, quan chức ngoại giao Iran cũng cho biết thêm Công cụ Hỗ trợ trao đổi thương mại của châu Âu (INSTEX), một cơ chế được thiết lập nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của châu Âu với Iran đồng thời tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, hiện đã được đưa vào hoạt động và các vụ giao dịch đầu tiên đã được thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông, để INSTEX mang lại lợi ích cho Iran, các nước châu Âu cần mua dầu của Iran hoặc xem xét chuỗi tín dụng cho cơ chế này.

[Thượng viện Mỹ bác bỏ nỗ lực hạn chế thẩm quyền của ông Trump]

Trong khi đó, phát biểu với phóng viên sau cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Thông nêu rõ: "Chúng tôi phản đối hành động đơn phương áp đặt trừng phạt (của Mỹ đối với Iran) và đối với chúng tôi, an ninh năng lượng vô cùng quan trọng. Chúng tôi không chấp nhận chính sách cắt giảm (nguồn thu từ dầu mỏ) về 0 của Mỹ."

Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. 

Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, ông Mikhail Ulyanov cho biết cuộc họp này không tạo ra bước ngoặt, nhưng cũng không có nghĩa là thất bại.

Trên tài khoản Twitter, ông Ulyanov viết: "Cuộc họp Ủy ban chung JCPOA diễn ra tại Vienna ngày hôm nay có thể được đánh giá là tương đối hài lòng. Không phải bước ngoặt song rõ ràng không phải thất bại. Tất cả các bên tham gia đều cam kết tuân thủ đầy đủ JCPOA bất chấp khó khăn." 

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran bị đẩy lên đỉnh điểm sau vụ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn rơi máy bay do thám chiến lược không người lái của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6.

Tehran cáo buộc máy bay Mỹ vi phạm không phận, trong khi Washington khẳng định máy bay bị bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 đã quyết định phát động một cuộc tấn công trả đũa quốc gia Hồi giáo này, song đã rút lại quyết định vào phút chót, qua đó tạm tháo ngòi nguy cơ chiến tranh Mỹ-Iran trong ngắn hạn.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran từ ngày 24/6, bao gồm các biện pháp nhằm vào Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, động thái khiến Iran tuyên bố đóng mọi khả năng đàm phán với Mỹ thời gian tới.

Hồi tháng Năm vừa qua, Iran tuyên bố tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận JCPOA, đồng thời thông báo sẽ khởi động quá trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn nếu như trong vòng 60 ngày, tức là đến ngày 8/7 tới, các cường quốc châu Âu không có biện pháp bảo vệ lợi ích của Tehran theo JCPOA trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Theo JCPOA, Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Tehran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực, theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. EU đã thông báo thiết lập INSTEX để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, trước khi cuộc họp này diễn ra, INSTEX vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục