Iran - “Nhân tố bí ẩn” trong sự chuyển dịch quyền lực tại Trung Á

Iran vẫn là một quốc gia không dễ bị dao động. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế sẽ không giảm bớt sự tự chủ chiến lược của Iran - dù là trong vấn đề Syria, Iraq hay ở Afghanistan.
Iran - “Nhân tố bí ẩn” trong sự chuyển dịch quyền lực tại Trung Á ảnh 1Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho răng gia nhập SCO là thành công ngoại giao của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gần đây không nhất thiết có nghĩa là nước này sẽ “ngoan ngoãn” hợp tác với Trung Quốc và Nga.

Động lực đằng sau việc công bố hình thành liên minh an ninh AUKUS gồm ba “nền dân chủ hàng hải” (Mỹ, Anh, Australia) vào ngày 15/9 vừa qua và việc Iran chính thức gia nhập SCO vào ngày 17/9 có nét tương đồng.

Cả hai động thái trên đều phá vỡ những định kiến trước đây. AUKUS được coi là hình mẫu của cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, nhưng việc trang bị cho Australia một hạm đội tàu ngầm không phải là vấn đề nhỏ.

Australia đang phải vật lộn để duy trì hoạt động của 6 chiếc tàu ngầm lớp Collins và nước này đang chuẩn bị xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà chưa có nguồn nhân lực được đào tạo cũng như cơ sở hạ tầng hạt nhân cần thiết. Một điều đáng nói trong AUKUS là nó rất thiếu các thông tin chi tiết.

Mốc thời gian đặt ra đối với AUKUS ít nhất phải từ 10-20 năm. Đến lúc đó, không một ai có thể dự đoán được Trung Quốc sẽ đạt được những thành tựu gì. Chắc chắn AUKUS không hướng tới một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại Trung Quốc.

Mặt khác, các tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động hoàn toàn dưới nước ở tốc độ cao trong thời gian dài. Chúng có thể mang lại cho Australia năng lực đảm bảo an ninh cho việc thăm dò các đáy đại dương rộng lớn ở Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và Biển Hoa Đông hay Ấn Độ Dương từ 10-20 năm tới thông qua việc sử dụng thành tựu trong tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI). Sự tranh giành các nguồn lực đang nổi lên trở thành khía cạnh quan trọng nhất của quá trình phục hồi kinh tế của các cường quốc sau đại dịch.

Tương tự, việc Iran chính thức là thành viên của SCO cũng xuất phát từ động lực kinh tế. SCO do Trung Quốc và Nga dẫn dắt đã chần chừ tới 13 năm để kết nạp Iran.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tashkent năm 2010, hai năm sau khi Tehran nộp đơn xin gia nhập, SCO thậm chí đã thông qua các tiêu chí mới quy định rằng chỉ các quốc gia không chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Liên hợp quốc mới có thể trở thành thành viên chính thức của SCO, với mục đích ngăn cản Iran tham gia.

[Tư cách thành viên SCO giúp Iran mở rộng quan hệ đối ngoại] 

Mặc dù các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran đã được dỡ bỏ sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây, với tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), được ký kết năm 2015, SCO vẫn duy trì quan điểm này suốt 6 năm qua trước khi quyết định thay đổi hướng đi.

Trong thời gian đó, Tajikistan, quốc gia hiếm khi có chính sách đối ngoại độc lập, đã ngăn cản Iran trở thành thành viên chính thức của SCO.

Rõ ràng, Bắc Kinh và Moskva đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phối hợp và thúc đẩy việc trải “thảm đỏ” cho Tehran bước vào SCO.

Hiện có ba vấn đề lớn được đặt ra. Đầu tiên và quan trọng nhất, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran sẽ sớm được dỡ bỏ. Iran đã nắm bắt điều đó để hiệu chỉnh năng lực làm giàu urani theo ý muốn của mình, điều khiến Mỹ chỉ có hai lựa chọn - tấn công và phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran (đồng nghĩa với chiến tranh toàn diện) hoặc từ bỏ những tuyên bố lớn tiếng và hướng tới một thỏa thuận mà trong đó Tehran bị ràng buộc trên thực tế bởi các cam kết của họ trong JCPOA.

Sự phụ thuộc của Tehran vào những giúp đỡ của Nga và Trung Quốc tại các cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) đã giảm bớt, trong khi sự tuyệt vọng của Washington có thể thấy rõ. Việc Mokva và Bắc Kinh vội vàng đưa Iran tham gia vào SCO được xem là động thái cần thiết trước khi con đường hướng tới Tehran tràn ngập các công ty phương Tây.

Moskva hy vọng sẽ củng cố thỏa thuận thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu và Iran cũng như chiếm một phần nhỏ trong “chiếc bánh tái thiết” của Iran. Về phần mình, Trung Quốc hy vọng thực hiện cái gọi là thỏa thuận kinh tế kéo dài 25 năm, trị giá 400 tỷ USD với Iran mà sẽ sớm mang lại nguồn thu lớn.

Trong khi đó, yếu tố thứ hai là sự lên ngôi của chính phủ “bảo thủ” mới do Tổng thống Ebrahim Raisi nắm quyền ở Tehran trở thành một yếu tố khiến các nước này có thể yên tâm. Chính phủ mới của Iran đã thể hiện sự quan tâm đến việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia ở phương Đông. Chính vì vậy, việc Moskva và Bắc Kinh quyết định tiến tới với Iran vào thời điểm này là điều hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là chính phủ của ông Raisi cũng là một chế độ theo trường phái dân tộc chủ nghĩa kiên định, coi trọng quyền tự chủ chiến lược của đất nước. Trong khi đó, Iran cũng đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho công cuộc tái thiết nền kinh tế với mục tiêu đón nhận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến từ phương Tây.

Iran - “Nhân tố bí ẩn” trong sự chuyển dịch quyền lực tại Trung Á ảnh 2Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Việc lựa chọn ông Hossein Amir-Abdollahian làm Ngoại trưởng là một động thái đầy tính toán để đạt được mục tiêu này. Ông Hossein là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm với quan điểm kiên định theo các lý tưởng trong cuộc Cách mạng tại Iran năm 1979.

Ông cũng là cộng sự thân cận của cố Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Tướng Qasem Soleimani. Ngoại trưởng Iran đã khá quen thuộc với các nhà ngoại giao Mỹ khi tham gia đàm phán tại Vùng Xanh ở Baghdad vào năm 2007 về các quy tắc cơ bản trong việc cùng chung sống tại Iraq. Đây là điều sẽ mang lại lợi ích cho Tehran.

Cuối cùng, thái độ của Iran đối với tình hình đầy biến động ở Afghanistan sẽ có tác động rất lớn đối với tương lai của chính SCO. Nga và Trung Quốc đang bày tỏ lo lắng về vấn đề chống khủng bố, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện, hay một thực tế.

Như bất kỳ cường quốc nào trong lịch sử đã từng làm, hai quốc gia này cũng đang hướng tới việc tham gia tái thiết tại Afghanistan. Họ ý thức sâu sắc rằng Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác cũng sẽ sớm tiếp cận các nguồn dự trữ khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD của Afghanistan.

Các nhà bình luận Nga ngày càng lên tiếng nhiều hơn về sự cần thiết đối với các hoạt động của lực lượng đặc biệt bên trong Afghanistan. Một cuộc tranh giành tài nguyên khoáng sản như ở Mali hay ở một số quốc gia châu Phi khác giữa các cường quốc cũng có thể sẽ xảy ra ở Afghanistan.

Nga và Trung Quốc đang phối hợp chính sách với nhau, trong đó Iran trở thành một “nhân tố bí ẩn.”

Quan điểm cho rằng tư cách thành viên SCO của Iran sẽ càng khuyến khích Tehran hợp tác với Moskva và Bắc Kinh vẫn chỉ là giả thuyết. Cho đến nay, Iran chủ yếu theo đuổi chính sách độc lập trong vấn đề Afghanistan.

Về bản chất, Iran vẫn là một quốc gia không dễ bị dao động. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế sẽ không giảm bớt sự tự chủ chiến lược của Iran - cho dù là trong vấn đề Syria và Iraq hay ở Afghanistan. Quả bóng bây giờ thực sự ở bên sân của phương Tây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục