Iran vẫn hoạt động hạt nhân từng phần đến khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt

Thứ trưởng Ngoại giao Iran cho biết sẽ không ngừng hay thậm chí giảm tốc độ các hoạt động hạt nhân hiện tại, đặc biệt là việc làm giàu urani lên mức 20% tinh khiết.
Iran vẫn hoạt động hạt nhân từng phần đến khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt ảnh 1Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi ngày 9/4 cho biết, nước này sẽ không ngừng từng phần chương trình hạt nhân hiện tại cho đến khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời ông Araqchi cho hay Tehran sẽ không ngừng hay giảm tốc độ các hoạt động hạt nhân hiện tại, đặc biệt là việc làm giàu urani lên mức 20% tinh khiết. Hoạt động này sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được thỏa thuận, theo đó Mỹ sẽ tự nguyện dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt chống Iran.

Ông Araqchi cũng cho biết Iran đang trong quá trình đàm phán với các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân và có dấu hiệu cho thấy người Mỹ đang cân nhắc việc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Tehran.

[Giới phân tích: Mỹ và Iran bước đầu hướng tới “giải cứu” JCPOA]

Trước đó cùng ngày, kết thúc vòng họp thứ hai của Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Vienne (Áo) với sự tham gia của đại diện các nước Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc, Đức và Iran, các đại diện của Trung Quốc và Nga đánh giá các nỗ lực hiện nay nhằm đưa Iran và Mỹ quay lại thực thi JCPOA đã đạt tiến triển. Các bên tham gia cuộc họp đã nhất trí tiếp tục gặp nhau trong tuần tới.

Trong khi đó, ngày 8/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng đối với những cuộc thảo luận tại Vienna về cách Washington và Tehran có thể quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đồng thời cho biết đặc phái viên Mỹ có thể sẽ về nước khi tiến trình hội đàm tạm ngừng vào cuối tuần.

Cả Mỹ và Iran đều không kỳ vọng các cuộc đàm phán hiện nay sẽ tạo bước đột phá. Cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tuy nhiên, vấn đề ngăn cản họ là việc ai sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên - hay đưa ra những nhượng bộ trước, để đạt được mục tiêu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục