Iraq và Iran ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong nhiều lĩnh vực

Theo thông báo từ văn phòng Thủ tướng Iraq, các thỏa thuận vừa được ký kết bao gồm các lĩnh vực dầu mỏ, thương mại, y tế, giao thông vận tải, cấp thị thực, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Iraq và Iran ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong nhiều lĩnh vực ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Tổng thống Iraq Barham Salih. (Nguồn: Reuters)

Ngày 11/3, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Iran Hassan Rouhani tới Iraq, hai nước đã ký kết nhiều Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trên các lĩnh vực.

Theo thông báo từ văn phòng Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi, các thỏa thuận vừa được ký kết bao gồm các lĩnh vực dầu mỏ, thương mại, y tế, giao thông vận tải, cấp thị thực, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Thủ tướng Abdul Mahdi đánh giá chuyến thăm của ông Rouhani mang ý nghĩa lịch sử và sẽ tạo đà thúc đẩy mối quan hệ giữa Iraq và Iran ngày càng tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Rouhani bày tỏ Iran sẵn sàng tăng cường quan hệ an ninh với Iraq, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông nhấn mạnh: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã sát cánh cùng Iraq và hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố tại nước này."

Nhân chuyến thăm này, Thủ tướng Abdul Mahdi cùng Tổng thống Rouhani đã thảo luận nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, kiểm soát đường biên giới, cũng như "sự hợp tác chống khủng bố và thúc đẩy các nỗ lực hướng tới an ninh và sự ổn định."

[Iraq khẳng định lập trường phản đối trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran]

Trước đó, Tổng thống Rouhani cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Iraq Barham Salih. Hai bên nhất trí rằng cần tăng cường hợp tác để đảm bảo an ninh chung cho cả Iraq, Iran và các quốc gia khác ở khu vực Trung Đông.

Tổng thống Salih nêu rõ: "Chúng tôi muốn tạo ra một hệ thống được xây dựng dựa trên lợi ích kinh tế chung giữa các dân tộc trong khu vực để thoát khỏi những xung đột đang nhấn chìm khu vực này."

Chuyến thăm kéo dài ba ngày của Tổng thống Iran tới Iraq diễn ra trong bối cảnh Washington đang gia tăng các biện pháp trừng phạt Tehran, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu như dầu mỏ, ngân hàng và giao thông, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), Tehran cam kết hạn chế chương trình phát triển hạt nhân, đổi lại các quốc gia phương Tây gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran.

Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này với lý do thỏa thuận chưa bao gồm các điều khoản hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và sự can dự của Tehran trong các vấn đề khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục