Israel và Palestine có trung gian trong hòa đàm mới

Ngày 21/7, Kênh 2 của Israel đưa tin Israel-Palestine chấp nhận cựu Đại sứ Mỹ ở Israel Indyk, làm trung gian trong các cuộc đàm hòa.

Ông Indyk là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại thuộc Viện Brookings tại Washington và từng làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Cận Đông trong chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 21/7, Kênh 2 của Israel đưa tin Israel và Palestine đã chấp nhận cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk, làm trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới tại thủ đô Washington, Mỹ.

Ông Indyk là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách chính sách đối ngoại thuộc Viện Brookings tại Washington và từng làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Cận Đông trong chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton.

Ông Indyk từng chỉ trích chính sách Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009, cho rằng ông Obama và phái viên Trung Đông của Mỹ George Mitchell đã thất bại. Vị cựu đại sứ này còn phê phán ông Obama và Mitchell đã cố tập trung vào việc thuyết phục Israel ngừng xây dựng khu định cư Do Thái ở Judea và Samaria, cho rằng họ đã vi phạm nguyên tắc cơ bản trong đàm phán ở Trung Đông khi bị mắc kẹt trong các vấn đề chi tiết.

Sau những nỗ lực ngoại giao con thoi trong suốt 5 tháng qua của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngày 19/7, Israel và Palestine đã nhất trí sẽ gặp nhau trong thời gian sớm nhất tại Washington để thảo luận các chi tiết cuối cùng về việc nối lại tiến trình đàm phán bị bế tắc từ năm 2008.

Trên thực tế, để cứu vãn sứ mệnh tái khởi động hòa đàm Israel-Palestine, Ngoại trưởng Mỹ đã phải giảm bớt những kỳ vọng. Theo những chi tiết trong kế hoạch của ông Kerry được mạng tin Debka ngày 20/7 tiết lộ, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ tập trung vào việc đạt được một hiệp ước hòa bình tạm thời để thành lập một Nhà nước Palestine tại những khu vực rộng lớn của Bờ Tây sau khi Israel rút đi, nhưng không quyết định về các đường biên giới cuối cùng. Những khu vực này sẽ cần có sự đồng thuận cho những sắp xếp an ninh ba bên (Mỹ-Israel-Palestine), cũng như loại bỏ một số khu định cư Do Thái.

Trong các cuộc thương lượng sơ bộ diễn ra kín vào tuần tới tại Washington, Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni và Cố vấn thủ tướng Yakov Molcho sẽ đại diện cho Israel, trong khi đại diện bên phía Palestine là nhà đàm phán cấp cao Saeb Erekat. Các bên nhất trí rằng tiến trình thương lượng sẽ kéo dài không dưới 9 tháng (cho tới tháng 3/2014) trong đó Israel đồng ý tạm ngừng một phần không tuyên bố việc xây dựng bên ngoài các khu định cư ở Judea và Samaria.

Việc ngừng xây dựng sẽ không áp dụng với các khu định cư Bờ Tây và Jerusalem. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã từ bỏ điều kiện tiên quyết trước đó, yêu cầu Israel ngừng hoàn toàn việc xây dựng khu định cư Do Thái nếu muốn ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp. Ông cũng cam kết không thực hiện lời đe dọa thúc ép các biện pháp chống Israel thông qua Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác trong quá trình đàm phán.

Cũng theo mạng tin trên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry còn thuyết phục ông Abbas từ bỏ tối hậu thư đàm phán hòa bình dựa trên các đường biên giới 1967. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ Obama sẽ gửi thư cho ông Abbas khẳng định sự công nhận của Mỹ đối với chủ đề của các cuộc thương lượng là thiết lập một Nhà nước Palestine dựa trên các giới tuyến năm 1967.

Ông Obama sẽ gửi một bức thư khác cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xác nhận rằng các cuộc thương lượng phải dẫn tới việc công nhận nhà nước Israel là quê hương của người Do Thái, với đường biên giới tương lai sẽ dựa trên các giới tuyến 1967 trong khi vẫn đảm bảo nhu cầu an ninh của Israel cũng như điều kiện nhân khẩu học thực tế.

Tổng thống Israel Shimon Peres đã thể hiện sự lạc quan về cuộc đàm phán sắp tới, đồng thời nhấn mạnh rằng việc nối lại cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine là "cơ hội tuyệt vời" cho cả hai bên. Tuy nhận định rằng các cuộc thương lượng "sẽ khó khăn," nhưng ông Peres khẳng định "không có cách lựa chọn nào khác ở thời điểm này."

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng mọi thỏa thuận đạt được trong cuộc hòa đàm sắp tới cần phải được thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân. Ông Netanyahu đồng thời nêu nguyên tắc tiên quyết của mình trong các cuộc đàm phán sắp tới là duy trì một đa số Do Thái ở Israel và tránh nguy cơ Nhà nước Palestine tương lai ở Bờ Tây trở thành một "quốc gia khủng bố" do Iran hậu thuẫn. Ông cho biết Israel bước vào đàm phán một cách "toàn diện, trung thực" và hy vọng tiến trình hòa đàm cũng sẽ diễn ra một cách có trách nhiệm, nghiêm túc và nỗ lực hết sức.

Ngày 21/7, tờ Thời báo Chủ nhật (Anh) đưa tin hai tháng trước, Tổng thống Shimon Peres đã tiến hành một cuộc gặp bí mật tại thủ đô Amman của Jondan với người đồng cấp Palestine Abbas về việc nối lại hòa đàm song phương.

[Tổng thống Israel-Palestine có cuộc gặp mặt bí mật]

Tờ báo cho biết ông Peres đã thuyết phục ông Abbas rằng những người định cư Do Thái có thể phải định cư tại Nhà nước Palestine trong tương lai. Nguồn tin nêu rõ: "Ông Peres đã chấp nhận việc những người định cư tại Bờ Tây và cư dân Do Thái ở Đông Jerusalem có thể vẫn ở nhà họ nhưng thuộc quản lý của Nhà nước Palestine." Mặc dù vậy, vẫn có nhiều dư luận tỏ ra hoài nghi về triển vọng của việc nối lại hòa đàm giữa Israel và Palestine hoặc thậm chí phản đối kế hoạch này.

Iran ngày 21/7 đã lên tiếng phản đối việc nối lại các cuộc hòa đàm do Mỹ làm trung gian, cho rằng Israel sẽ "không bao giờ đồng ý" rút khỏi các vùng đất chiếm đóng của người Arập.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cho biết Tehran "cùng các nhóm của Palestine thể hiện sự phản đối với kế hoạch đề xuất (nối lại hòa đàm) và tin chắc rằng chế độ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái sẽ không bao giờ rút khỏi các vùng đất đang chiếm đóng."

Phong trào Hồi giáo Hamas do Iran hậu thuẫn hiện đang kiểm soát Dải Gaza đã từ chối nối lại đàm phán với Israel, đồng thời cho rằng Tổng thống Palestine Abbas không có quyền hợp pháp thay mặt người dân Palestine để đứng ra thương lượng.

Trong khi đó, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) phụ trách các vấn đề Palestine và các vùng lãnh thổ Arập bị chiếm đóng Mohamed Sabih ngày 21/7 cho biết khối này "đang thiết lập mạng lưới ủng hộ chính trị cho Palestine trong trường hợp họ chấp nhận tham gia thương lượng với Israel."

Theo ông Sabih, "nhiều người trong Chính phủ Israel không muốn một sáng kiến hòa bình Arập." Ông nhấn mạnh AL đang giám sát quan điểm của Israel để đàm phán diễn ra thực chất; đồng thời cảnh báo đây có thể là cơ hội cuối cùng cho việc khôi phục tiến trình hòa bình bị đình trệ quá lâu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục