Italy: Các cụ già trên 80 tuổi vẫn nộp đơn xin ly hôn cấp tốc

Số người Italy nộp đơn xin ly hôn ở tuổi trên 65 chiếm 20% tổng số đơn, đặc biệt có những cụ già 80 tuổi cũng làm đơn xin ly hôn, chuyện chưa từng xảy ra trước kia.
Italy: Các cụ già trên 80 tuổi vẫn nộp đơn xin ly hôn cấp tốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội những người luật sư về hôn nhân và gia đình Italy (AMI), hầu hết những người nộp đơn xin chia tay bạn đời ở lứa tuổi từ 44 đến 54 và 20% số vụ ly hôn xảy ra với những cặp trên 65 tuổi.

Hiệp hội những người luật sư về hôn nhân và gia đình Italy (AMI) cho hay số người nộp đơn xin ly hôn ở tuổi trên 65 chiếm 20% tổng số đơn và đây là con số kỷ lục nếu so với tỷ lệ 13% vào năm 2010 và chỉ 5% vào năm 1995.

Đặc biệt, có những cụ già 80 tuổi cũng làm đơn xin ly hôn, chuyện chưa từng xảy ra trước kia.

AMI cho rằng việc thông qua luật ly hôn "cấp tốc" vào tháng Năm đã tạo điều kiện cho người có nhu cầu ly hôn được chia tay và chia tài sản trong vòng từ sáu tháng đến một năm, thay vì kéo dài từ 3 năm trở lên như trước kia.

Việc này đã tạo ra một "làn sóng ly hôn" thực sự trong cả những người cao tuổi, vốn sống không hạnh phúc trong một thời gian dài, nhưng bị thủ tục ly hôn quá nhiêu khê làm nản lòng.

Năm 2014, số vụ nộp đơn xin ly hôn ở Italy là hơn 54.000 và 90.000 vụ ly thân. 60% số đơn ly thân là do phụ nữ đệ trình, trong khi 60% các vụ ly hôn là do người chồng yêu cầu.

Với việc luật mới có hiệu lực, AMI ước tính số vụ ly hôn trong năm nay có thể đạt từ 150.000 đến hơn 200.000, tính cả các vụ trước khi luật được thông qua.

Một thông cáo của AMI viết: "Trước kia, người ta sợ rằng, họ sẽ không thể đi hết quá trình làm các thủ tục cần thiết để được ly hôn. Việc luật mới cho phép nếu như cả hai cùng đồng ý ly hôn, thời gian để xét cho việc xóa bỏ hôn ước được rút xuống chỉ còn 6 tháng sau ly thân đã giúp nhiều người tận dụng cơ hội này để kiếm tìm cuộc sống mới."

Một số liệu của AMI cho thấy rất nhiều trường hợp các cụ trên 65 tuổi đòi ly hôn để được cưới hoặc sống chung với những người phụ nữ trẻ hơn nhiều tuổi. Tuy nhiên, ngay cả trước khi luật mới được thông qua, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 3.000 cụ ông cưới hoặc xin sống chung với những người giúp việc của mình.

Theo luật mới mà báo chí Italy đặt biệt danh là "ly hôn cấp tốc," thời gian để ly thân để tòa án xét cho chính thức ly hôn giảm xuống còn một năm, thay vì ba năm như trước đây, nếu như vợ hoặc chồng, hoặc cả hai đưa đơn ra tòa. Tuy nhiên, nếu cả hai phía cùng thuận tình ly hôn, thời gian cho việc ly thân chỉ cần 6 tháng. Chưa hết, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản chung cũng có thể được tiến hành ngay trong thời gian ly thân.

Theo báo chí Italy, việc thông qua được luật ly hôn mới, với số lượng phiếu đa số là thuận, được coi là một bước ngoặt vô cùng quan trọng về pháp lý trong việc "tiến tới một xã hội dân sự công bằng và văn minh hơn."

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dù luật mới góp phần giúp các cặp vợ chồng "rũ bỏ" được nhau nhanh và dễ dàng hơn khi không còn muốn sống chung với nhau nữa. Luật mới cũng tạo ra những thay đổi lớn lao trong xã hội nước này, với hơn 90% dân số là người theo Công giáo.

Luật sư Gian Ettore Gassani, Chủ tịch AMI, cho rằng việc số đơn xin ly hôn tăng vọt ngay sau khi luật ly hôn mới được thông qua cho thấy xã hội Italy đã thay đổi sâu sắc. "Tôi chưa thấy ở nước nào có sự thay đổi mạnh mẽ như thế trong vòng 20 năm qua," ông nói trên nhật báo Il Messaggero.

"Bây giờ đã xảy ra cả những trường hợp trước kia chưa từng xuất hiện, như việc các cụ già trên 80 tuổi xin ly hôn để lấy vợ mới," ông Gian Ettore Gassani nói.

Trong khi số vụ ly thân và ly hôn đang theo chiều hướng ngày càng gia tăng, số đám cưới cũng giảm nhiều.

Theo Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT), nếu như vào năm 2008, có gần 250.000 đám cưới được tổ chức thì vào năm 2013, số vụ cưới hỏi giảm xuống còn 194.000 người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục