Italy huy động quân đội giám sát việc thực hiện Sắc lệnh phong tỏa

Italy đã triển khai 7.300 lính giám sát trên các đường phố của vùng Campagnia, Sicily và 13.000 lính đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng để triển khai tại các khu vực khác.
Italy huy động quân đội giám sát việc thực hiện Sắc lệnh phong tỏa ảnh 1Quân đội Italy tham gia chống dịch COVID-19 (Nguồn: Getty)

Trước tình trạng số ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra tại Italy trong những ngày qua tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu suy giảm, bất chấp các quy định hạn chế đi lại đối với người dân của Chính phủ, Italy đã huy động lực lượng quân đội tham gia giám sát việc thực hiện Sắc lệnh phong tỏa.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Italy Luciana Lamorgese, việc huy động và triển khai lực lượng quân đội tại các khu vực cụ thể sẽ do các Prefetto (chức danh tương đương Giám đốc Sở Nội vụ, trực thuộc Bộ Nội vụ Italy) quyết định.

[Cảnh vắng lặng tại Italy khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát]

Hiện Italy đã triển khai 7.300 lính giám sát trên các đường phố của vùng Campagnia, Sicily và 13.000 lính đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng để triển khai tại các khu vực khác.

Chủ tịch vùng Lombardia Attilio Fontana và Thị trưởng thành phố Rome Virginia Elena Raggi  cũng đã yêu cầu sự tham gia của lực lượng quân đội nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm quy định hạn chế đi lại.

Dự kiến việc triển khai sẽ được thực hiện sớm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini cho biết lực lượng quân đội đã sẵn sàng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định trong tình trạng khẩn cấp đối phó với dịch bệnh COVID-19 hiện nay trên phạm vi toàn quốc.

"Quân đội Italy có trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khỏe người dân cũng như bảo vệ lãnh thổ," ông Guerini khẳng định.

Trong một diễn biến khác, bất chấp nỗ lực của chính phủ và hệ thống y tế quốc gia Italy đang phải gồng mình để đối phó với dịch bệnh, nhiều người dân Italy vẫn tỏ ra thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định hạn chế đi lại.

Đây đang là vấn đề cấp bách đối với chính phủ Italy và chính quyền các vùng, đặc biệt là vùng tâm dịch Lombardia.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, chỉ trong ngày 19/3 đã có 8.000 trường hợp vi phạm, nâng tổng số các trường hợp vi phạm kể từ khi Italy ban hành quy định hạn chế đi lại lên 43.000 trường hợp.

Các trường hợp này đã bị cáo buộc ra ngoài không có lý do với hình phạt nặng nhất có thể bị bắt giam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục