Kế hoạch tách khỏi Anh của Scotland gặp thách thức lớn

Ý định tách khỏi Vương quốc Anh của Scotland đã có thêm thách thức mới khi Chủ tịch EC cảnh báo Scotland sẽ khó gia nhập EU nếu tách khỏi Anh.
Kế hoạch tách khỏi Anh của Scotland gặp thách thức lớn ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso. (Nguồn: Reuters)

Ngày 16/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã lên tiếng cảnh báo rằng Scotland sẽ khó có thể trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) nếu tuyên bố độc lập và tách khỏi Vương quốc Anh.

Thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu nhánh hành pháp châu Âu khiến kế hoạch trưng cầu dân ý về nền độc lập mà Thủ hiến Scotland Alex Salmond đang theo đuổi sẽ phải đối mặt thêm nhiều thách thức.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC, ông Barroso cho rằng những nước mà tự tuyên bố độc lập tách ra khỏi các thành viên hiện nay của EU rất khó nhận được sự ủng hộ toàn diện để gia nhập tổ chức khu vực này. Ví dụ như Tây Ban Nha từng lên tiếng bác bỏ tuyên bố độc lập của Kosovo. Vì vậy, theo ông Barroso, thật khó kết nạp Scotland, nếu không muốn nói là không thể.

Đây được coi là một đòn mạnh giáng vào hy vọng tuyên bố độc lập mà các quan chức theo chủ nghĩa dân tộc ở Scotland vẫn ấp ủ bấy lâu nay. Họ từng khẳng định rằng Scotland sẽ gia nhập EU ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập dự kiến diễn ra vào tháng 9/2014. Ông Salmond đã công bố Sách trắng về độc lập để tìm kiếm sự ủng hộ của người dân Scotland.

Tuy nhiên, ông Barroso cho rằng các nước thành viên EU thường chủ động ngăn chặn mọi ý định ly khai của những vùng được hưởng quy chế bán tự trị trên lãnh thổ của họ. Nếu tuyên bố độc lập và tách khỏi Anh, Scotland sẽ phải xin gia nhập EU theo cách thông thường mà các nước vẫn làm. Thật khó có thể nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên EU. Vì vậy, chắc chắn đơn xin gia nhập EU của Scotland sẽ bị bác bỏ ngay từ vòng đầu tiên.

Phản ứng trước tuyên bố của ông Barroso, phó Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho rằng cách tiếp cận này là "hoàn toàn vô lý." Theo bà, "thật ngớ ngẩn khi so sánh trường hợp Kosovo với Scotland", bởi suốt 40 năm qua, Scotland trên thực tế cũng đã tham gia EU. Trước đó, giới chức Scotland cho biết sẽ tiến hành đàm phán về tư cách thành viên EU trong 18 tháng kể từ thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Hiện đảng Dân tộc Scotland (SNP) khởi xướng kế hoạch tuyên bố độc lập đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn: tư cách thành viên EU và việc sử dụng đồng bảng. Vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã thẳng thừng bác bỏ khả năng thiết lập liên minh tiền tệ giữa Anh với Scotland nếu xứ này tuyên bố độc lập.

Theo ông, Scotland sẽ không thể tiếp tục sử dụng đồng bảng sau khi tách khỏi Anh. Quan điểm của ông Osborne - một thành viên cao cấp của đảng Bảo thủ cầm quyền, đã nhận được sự đồng tình khá hiếm hoi từ phía đảng Dân chủ Tự do tham gia chính phủ liên minh và Công đảng đối lập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục