Khắc phục đầu tư dàn trải trong giao thông, vận tải

Khắc phục đầu tư dàn trải là những điều chỉnh chiến lược nhằm tạo đột phá cơ bản của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2016–2020.
Khắc phục đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ là những điều chỉnh mang tính chiến lược của ngành giao thông vận tải nhằm tập trung nguồn lực cho các công trình lớn quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hợp lý, theo hướng hiện đại, tạo đột phá cơ bản trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016–2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp. Trong sự nghiệp phát triển này, việc xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở giao thông vận tải hiện đại, chất lượng cao đáp ứng sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam có một vai trò đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong quá trình 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 3/3/2009 đã xuất hiện một số vấn đề bất cập.

Mặc dù đã thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, các hình thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng vẫn chưa huy động được nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của toàn dân.

Ngoài ra, hiện nay các phương thức vận tải phát triển chưa hợp lý. Tỷ lệ đảm nhận vận tải bằng đường bộ là 90% đối với hành khách và 63% đối với hàng hóa, điều đó đã gây nên nhiều hệ lụy như cho phí vận tải cao, không hợp lý, vấn đề tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng.

Hiện nay, trên tuyến Quốc lộ 1A mặc dù là tuyến giao thông huyết mạch nhưng quy mô nhỏ bé, năng lực hạn chế, mật độ giao thông trên tuyến lớn và tăng trưởng nhanh, một số đoạn đã quá tải.

Đối với giao thông đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng. Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các dự án đô thị với tiến độ quá chậm. Trong khi đó tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng hiện nay chỉ đạt 10-12% và không thể đạt 35-45% như chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các cảng biển cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép–Thị Vải ( Bà Rịa-Vũng Tàu) chậm tiến độ. Vẫn còn tồn tại sự thiếu đồng bộ giữa cầu bến và luồng vào cảng, giữa cảng và hệ thống giao thông sau cảng…

Công nghiệp đóng tàu, cỡ tàu đóng mới, sửa chữa không còn phù hợp với năng lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ nội địa hóa 70% cũng quá cao do công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; công nghiệp ô tô và máy thi công, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 15-18% tùy loại sản phẩm.

Đối với tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện đang có năng lực thông qua hạn chế, nhiều đoạn nút cổ chai nên khả năng thông qua tối đa được 32 đôi tàu ngày đêm và theo dự báo sẽ quá tải vào năm 2015. Ngoài ra còn nhiều dự án đường sắt chưa có nguồn lực để triển khai theo quy hoạch.

[Đẩy nhanh thực hiện các dự án giao thông trọng điểm]
 
Theo đánh giá của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, một trong những nguyên nhân quan trọng làm kết quả không được như mong đợi là khi lập chiến lược 3 năm trước đây đã quá kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao nên đề ra các mục tiêu cho ngành giao thông chưa sát thực.

Tư duy phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; nguồn nhân lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Phân bổ nguồn lực còn dàn trải, chưa tập trung vào các công trình trọng điểm thiết yếu; tiến độ triển khai các dự án chậm do thiếu vốn, do chậm giải phóng mặt bằng, một số cơ chế chính sách phát triển còn bất cập.

Do vây, tại một Hội nghị gần đây của Bộ Giao thông vận tải, sau khi nghe rất nhiều ý kiến của các cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu việc điều chỉnh Chiến lược Phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải gắn với những mục tiêu hết sức cụ thể, trong đó thể hiện trách nhiệm cụ thể của địa phương; xác định rõ quan điểm hợp tác quốc tế.

Các giải pháp thực hiện chiến lược phải gắn liền với các cơ chế chính sách, trong đó tập trung đề án huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển nguồn lực cho hợp lý. Giải pháp của chiến lược phải tập trung vào các dự án trọng tâm, trọng điểm như tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh…/.

Hồng Ninh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục