Tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, diễn ra trong ngày 26/7, nhiều đại biểu đã chỉ ra một loạt bất cập như vấn đề "nổi cộm" là lãng phí đầu tư công hay việc bán nhà xây thô... Nhiều dự án đã được “đặt tên” nhưng 26 năm vẫn “nằm trên giấy,” dẫn tới tình trạng lãng phí, ảnh hướng tới quá trình phát triển.
Lãng phí trong đầu tư công - Căn bệnh trầm kha
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng vấn đề khiến cử tri rất bức xúc hiện nay là lãng phí trong đầu tư công. Khi công trình chậm tiến độ vốn huy động vẫn phải trả lãi, kéo theo các lãng phí khác có liên quan.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện nay còn có những dự án đầu tư xong không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao, nhiều con đường đào lên lấp xuống nhiều lần cũng gây lãng phí không nhỏ.
“Một lãng phí rất lớn khác là trong việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, tài sản của các doanh nghiệp. Rất nhiều các trụ sở làm việc của cơ quan ở những vị trí đất vàng, nhưng sử dụng không hiệu quả, thậm chí có những cơ quan đã được xây dựng ở những vị trí mới nhưng vẫn không trả những trụ sở cũ. Đó chính là việc tạo ra lãng phí,” đại biểu của đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
[Đưa tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giám sát tối cao 2022]
Góp thêm ví dụ cho thực trạng lãng phí, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết có dự án 26 năm vẫn nằm trên giấy, có dự án treo gần 3 thập niên, có dự án 10 năm vẫn là khu đất trống.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) lại băn khoăn về những lãng phí mà không cân đong đo đếm. Cụ thể, theo đại biểu này, khi triển khai các công trình xây dựng như làm đường giao thông, nhất là làm đường trong khu vực nội đô ở các thành phố lớn, đơn vị giám sát, thực hiện có thể biết được chi phí về sắt thép, nhưng rất khó đo đếm được biết bao người đi lại sẽ bị chậm vì vướng, tắc đường.
“Đây là điểm không đo đếm được và thực tế lại rất phổ biến ở Việt Nam,” đại biểu Trí chia sẻ.
Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, các dự án treo thời gian dài chưa triển khai hoặc triển khai dở dang, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước, của xã hội và của người dân; có trường hợp tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân nơi có dự án treo.
“Phải coi tiết kiệm là lẽ sống”
Trước thực tế nêu trên, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần mạnh tay hơn để có giải pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án treo, các dự án chậm tiến độ gây lãng phí.
“Xót xa vô cùng khi thấy những mảnh đất rộng bỏ hoang hóa 3-5 năm, thậm chí 10 năm, nhân dân cử tri rất bức xúc. Chúng ta chống lãng phí không phải là đợi để bắt cho vào tù. Chống lãng phí là để thực hành tiết kiệm, biết để đừng làm ra những việc gây lãng phí. Cái đó, tôi nghĩ còn quan trọng hơn,” đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm.
Từ đó, đại biểu Quốc hội của đoàn thành phố Hà Nội kiến nghị cần phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông; phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức sống, thực hành và quản lý xã hội.
Cùng bàn về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) khẳng định ông đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Anh Trí, là cần tiếp cận việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn liền với thực hành tiết kiệm ở tất cả các khía cạnh, lĩnh vực.
“Do đó, chúng ta cần phải có nghiên cứu một cách đầy đủ cũng như có sự động viên các sáng kiến của xã hội để từng bước hoàn thiện dần các quy định về quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Sáng kiến nào tốt, hiệu quả thì cần được áp dụng đưa vào cuộc sống để bảo đảm tiết kiệm không chỉ là ngân sách nhà nước, mà còn cả tiền bạc của nhân dân, nguồn lực của xã hội,” đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói./.