Khai hội Lồng Tồng truyền thống của người Thái

Lễ hội Lồng Tồng đậm bản sắc văn hóa dân gian truyền thống, phản ánh ước nguyện về mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ngày 26/2, tại xã Sơn A, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ hội Lồng Tồng (hay lễ hội Xuống đồng) người Thái. Đây là một trong số những lễ hội được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai năm 2011.

Lễ hội Lồng Tồng được diễn ra với hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ là nghi thức thiêng liêng và quan trọng nhất. Mỗi thôn trong xã đều phải chuẩn bị một mâm lễ vật, tùy theo điều kiện của từng thôn để góp lễ. Các lễ vật trên mâm thường là các loại bánh làm từ lúa, ngô do bà con sản xuất ra, thịt gà, thịt lợn, vàng mã...

Bà con các dân tộc nơi đây sau một năm trồng trọt, chăn nuôi, nhờ thần linh, tổ tiên phù hộ cho mùa màng bội thu nay mang sản vật đến để tạ ơn thần linh thổ địa và thành hoàng, những người đã có công khai phá vùng đất, lập bản, lập mường, chiến đấu bảo vệ bản mường như Nàng Han, Tạo Ngần, Tạo Xuông...

Sau phần lễ là phần hội, thu hút đông đảo mọi người tham gia. Phần hội để du khách thập phương đến xem và tham dự các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như kéo co, đu quay, đẩy gậy, leo cột mỡ, đua mảng, múa xòe, hát khắp... mà điển hình là trò chơi ném còn. Đây là trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, thể hiện rõ quan niệm âm dương của cư dân Nam Á.

Lồng Tồng là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian truyền thống, phản ánh ước nguyện của người dân vào mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội còn là nơi giao lưu văn hóa gặp gỡ giữa các cộng đồng dân tộc nơi đây, tạo nên mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, keo sơn giữa các tộc người./.

Đức Tưởng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục