Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thành phố Hồ Chí Minh

Với hơn 400 dự án đầu tư tại Việt Nam và tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD, Ấn Độ đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC giới thiệu môi trường đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp Ấn Độ tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC giới thiệu môi trường đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp Ấn Độ tại diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-Ấn Độ nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh-Ấn Độ nói riêng còn rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ-Thành phố Hồ Chí Minh do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 21/11.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972 và nhất là từ khi nâng cấp thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016 đến nay, quan hệ hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam-Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, nhập khẩu từ Ấn Độ là 7,09 tỷ USD.

Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam. Ấn Độ hiện có hơn 400 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam-Ấn Độ còn nhiều dư địa để mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư bởi quy mô thị trường rộng lớn; cơ cấu hàng hóa hai nước có sự bổ sung tốt cho nhau.

Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ, đó là nền tảng để thúc đẩy doanh nghiệp hai bên tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Ở góc độ địa phương, trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và Ấn Độ đã không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ trên các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân.

Tính đến tháng 10/2023, Ấn Độ đang có 237 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 131 triệu USD, đứng thứ 23 trong 120 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy tiềm năng hợp tác với các đối tác Ấn Độ còn rất lớn và mong muốn Ấn Độ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như thương mại, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục…

Bà Sunaina Khanna, Trợ lý Phó Chủ tịch Invest India cho biết Ấn Độ đang nằm trong top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô GDP đạt 3,75 nghìn tỷ USD trong năm 2023; kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, đạt 770 tỷ USD.

Ước tính đến năm 2030, nền kinh tế kỹ thuật số tiêu dùng của Ấn Độ sẽ đạt 800 tỷ USD và đây là thị trường tiêu thụ khổng lồ với 357 triệu người tiêu dùng trẻ dưới 30 tuổi mà các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam có thể tận dụng để phát triển.

Song song đó, Ấn Độ cũng là địa điểm đầu tư lý tưởng mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam có thể xem xét với mức ưu đãi thuế doanh nghiệp thuộc hàng thấp nhất toàn cầu; nhiều chính sách ưu đãi phát triển hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn, màn hình; miễn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu; thủ tục hành chính một cửa đơn giản và quỹ đất công nghiệp dồi dào…

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Ấn Độ và Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn sẽ tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới, phấn đấu nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại hai chiều; đồng thời tăng cường hợp tác du lịch, văn hóa, khoa học kỹ thuật, cũng như đẩy mạnh giao lưu nhân dân để không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục