Khai mạc kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc

Kỳ họp có sự tham gia của đại diện tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc để cùng thảo luận, giải quyết các vấn đề quan trọng về môi trường mà thế giới đang phải đối mặt.

Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc dự kiến diễn ra từ ngày 26/2-1/3. (Nguồn: Xinhua)
Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc dự kiến diễn ra từ ngày 26/2-1/3. (Nguồn: Xinhua)

Ngày 26/2, Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc đã khai mạc kỳ họp thứ 6 (UNEA-6) đã khai mạc tại trụ sở chính ở thủ đô Nairobi (Kenya).

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, kỳ họp năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 26/2-1/3 và có sự tham gia của đại diện tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc để cùng thảo luận, giải quyết các vấn đề quan trọng về môi trường mà thế giới đang phải đối mặt.

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen cho biết 6 chủ đề ưu tiên của kỳ họp lần này bao gồm: Khan hiếm nước, khai thác một cách có trách nhiệm, quản lý khoáng sản nhất là phốt-pho, công nghệ biến đổi khí hậu, nguồn kinh phí cho các hành động môi trường và thực thi Khuôn khổ Côn Minh- Montreal.

Bà Inger Andersen nhấn mạnh kỳ họp là cơ hội để cộng đồng quốc tế hành động và cùng nhau thực hiện các giải pháp toàn cầu như đã hứa để có thể đảm bảo tương lai cho toàn thể nhân loại sống trên một hành tinh mạnh khỏe và thịnh vượng.

Theo kế hoạch, đại diện các nước sẽ thảo luận 20 nghị quyết và 2 quyết định tại UNEA-6, bao gồm các chủ đề như biến đổi bức xạ Mặt Trời, khai mỏ, sa mạc hóa, nông nghiệp mía, thuốc trừ sâu nguy hiểm cao, vấn đề tăng khả năng phục hồi của các hệ sinh thái và cộng đồng trước tình trạng hạn hán, hợp tác khu vực về chất lượng không khí và một số chủ đề khác. Dự kiến, một tuyên bố cấp bộ trưởng cũng sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp.

Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) là thiết chế cấp cao ra các quyết định về môi trường do Liên hợp quốc thành lập với nhiệm vụ vạch ra một tiến trình mới trên con đường cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết các thách thức phát triển bền vững về môi trường.

Hiện 193 nước thành viên Liên hợp quốc, các nước quan sát viên và các bên liên quan khác được tham gia các cuộc thảo luận và ra quyết định về các vấn đề có ảnh hưởng đến trạng thái của môi trường và phát triển bền vững toàn cầu. UNEA họp 2 năm một lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục