Khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL: Suy giảm nguồn nước nghiêm trọng

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nước dưới đất trong các tầng chứa nước hầu hết phải đối mặt với tình trạng hạ thấp sâu và xâm nhập mặn vào mùa khô.
Khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL: Suy giảm nguồn nước nghiêm trọng ảnh 1Kênh rạch cạn kiệt nước gây khó khăn cho giao thông. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức trong an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu, làm gia tăng những vấn đề về nước hiện có. Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tài nguyên nước đã được ban hành nhưng vẫn thiếu các tài liệu hướng dẫn hiệu quả.

Các công cụ đổi mới để thực hiện phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đáp ứng những thách thức mới và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và các loại hình thiên tai liên quan đến nước.

Chính vì vậy, vấn đề quản lý tài nguyên nước dưới đất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cấp bách và cần có giải pháp quản lý, giám sát hiệu quả, mang tính chiến lược dài hạn.

Theo Báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, tỷ lệ sử dụng nước ngầm cho công nghiệp tương đối lớn, hiện đã có 57% các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng nước ngầm.

Nguồn nước dưới đất ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu suy giảm, trong khi việc sử dụng nước dưới đất phục vụ cho ngành công nghiệp đã tăng gần gấp đôi so với mức năm 2006.

Nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn trên diện rộng

Ông Thân Văn Đón, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi Trường cho biết, tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày).

Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày). Trong đó, lượng nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho đô thị hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lượng nước cấp.

[Khai thác hợp lý tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long]

Phần lớn các đô thị sử dụng nguồn nước dưới đất đều có công suất khai thác nhỏ, từ 5.000-15.000 m3/ngày đến từ 20.000-40.000 m3/ngày.

Hiện, lượng nước dưới đất đang được cấp phép khai thác ở các vùng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với trữ lượng còn có thể khai thác. Tuy nhiên do đặc điểm phân bố của tài nguyên nước dưới đất, mực nước dưới đất biến động mạnh theo mùa (mùa mưa và mùa khô).

Mức độ khai thác cụ thể ở từng địa phương rất khác nhau nên đã dẫn đến nguy cơ suy giảm mực nước, cạn kiệt tầng chứa nước; gia tăng ô nhiễm, nhiễm mặn các tầng chứa nước và sụt lún, biến dạng bề mặt địa hình.

Cụ thể, ở khu vực Nam Trung Bộ, các địa phương dự báo sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô do mực nước dưới đất hạ thấp và xâm nhập mặn là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đáng lưu ý, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nước dưới đất trong các tầng chứa nước hầu hết phải đối mặt với tình trạng hạ thấp sâu và xâm nhập mặn vào mùa khô.

Ở nhiều địa phương, mực nước dưới đất có tốc độ hạ thấp mạnh từ 0,3-0,5m/năm như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau...

Thậm chí, một số địa phương tốc độ hạ thấp đến 0,55m/năm như: thị trấn Tân Trụ, Tân Trụ (tỉnh Long An); 0,92m/năm như thị trấn Lai Vung, Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp).

Một số khu vực có xu hướng gia tăng xâm nhập mặn cả về diện tích và nồng độ như Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau. Đặc biệt, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng đầu năm 2020 đã phải đối mặt với nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn trên diện rộng.

Không chỉ tồn tại những nguy cơ về suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất, ở một số khu vực hiện đang đối diện với nguy cơ sụt, lún, hạ thấp bề mặt địa hình.

Trong số đó, đáng kể nhất là Đồng bằng sông Cửu Long với tốc độ lún trung bình 20-40 mm/năm. Các khu vực lún nhanh nhất là bán đảo Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước quốc gia

Để đảm bảo nguồn nước cho vùng thiếu nước, xâm nhập mặn, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng, bàn giao các hệ thống khai dẫn để cung cấp nguồn nước phục vụ dân sinh ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên cơ sở kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất đã thực hiện thuộc Chương trình “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.”

Khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL: Suy giảm nguồn nước nghiêm trọng ảnh 2Bơm nước ngọt từ sà lan về Nhà máy nước xử lý. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Cùng với đó, Trung tâm đã triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ các nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở kết quả thực hiện Giai đoạn 1 của Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn.”

Dự kiến, thời gian tới, Trung tâm sẽ chỉ đạo Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam triển khai 3 điểm bơm cấp nước miễn phí từ các giếng khoan do Trung tâm đang quản lý, quan trắc cho người dân các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau.

Đây là biện pháp hữu hiệu giúp người dân Đồng bằng sông Cửu Long thoát cảnh “khát nước” trong thời gian hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Khuyến, trong thời gian tới, Cục sẽ tham mưu trình Bộ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục nâng cấp hệ thống giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước tự động trực tuyến (theo quy định của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT) để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước quá mức và có phương án xử lý kịp thời.

Cục tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước quốc gia, tăng cường công tác cảnh báo, dự báo về nước dưới đất; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất.

Đồng thời, Cục sẽ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 để có biện pháp, giải pháp đồng bộ giải quyết các vấn đề thiếu nước, hạn hán, tác hại do nước gây ra ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tập trung hoàn thành Đề án "Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, định hướng quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất."

Cục sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương ban hành quy định vùng hạn chế khai thác theo quy định tại Nghị định số 167/2018/NĐ-CP Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Theo số liệu ban đầu từ mạng quan trắc quốc gia từ khi ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất đến nay, nhiều nơi mực nước dưới đất đã được phục hồi, do đó đã đánh giá được hiệu quả của chính sách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục