Khám phá phong cách Ryurei- pha trà Matcha của trà đạo Nhật Bản

Các chuyên gia trà đạo giới thiệu cách pha trà Matcha, tên cách pha này trong tiếng Nhật là Ryurei, thuộc trường phái pha trà Urasenke - một trong ba trường phái pha trà lớn nhất Nhật Bản.
Khám phá phong cách Ryurei- pha trà Matcha của trà đạo Nhật Bản ảnh 1Một phụ nữ Nhật biểu diễn cách pha trà Matcha. (Ảnh: Lâm Hoa/Vietnam+)

Nhằm quảng bá về nghệ thuật trà đạo, chiều 21/5, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức “Buổi biểu diễn và thực hành trà đạo Nhật Bản” ở Hà Nội.

Nghệ thuật trà đạo ẩn chứa nhiều nét đặc sắc về văn hóa đất nước mặt trời mọc. Do vậy, buổi biểu diễn là cơ hội hiếm có để công chúng Việt Nam hiểu rõ hơn về những phong cách tinh tế của con người Nhật Bản.

Tại buổi biểu diễn, các chuyên gia trà đạo giới thiệu cách pha trà Matcha, trong tiếng Nhật gọi là Ryurei (thuộc trường phái pha trà Urasenke - một trong ba trường phái pha trà lớn nhất ở Nhật Bản). Đây là cách pha trà ngồi, người pha trà không ngồi xuống chiếu để pha như cách pha truyền thống mà ngồi vào ghế và sử dụng bàn.

Công đoạn pha trà đạo đặc biệt thể hiện rõ sự tỷ mỷ, khéo léo. Tất cả bộ dụng cụ pha trà đều cần phải thật sạch, trước khi sử dụng chén trà cần phải được rửa bằng nước nóng và lau khô, dụng cụ lấy trà, bình trà cũng được lau sạch bằng khăn mềm.

Để pha trà, đầu tiên những người phụ nữa cho bột matcha vào chén, sau đó cho nước nóng vào và dùng chasen (một loại chổi đánh trà) đánh liên tục đến khi bề mặt nổi bông là hoàn thành.

Cách pha trà Ryurei khác biệt khá rõ so với cách pha trà truyền thống.

Theo đại diện của Ban tổ chức, trước đây, trà đạo được làm trong phòng trà gồm khoảng 3 chiếu, mời được một hoặc hai vị khách, với khoảng cách gần gũi nhau để mọi người có dịp chia sẻ. Hiện nay, cách pha trà này càng có nhiều người tham dự, với không gian mở hơn, khoảng cách giữa người pha trà và người thưởng trà cũng xa hơn.

Hiện nay, tại Nhật Bản có khoảng hơn 40 trường phái trà đạo và có tới 90% số người biểu diễn trà đạo hiện nay là phụ nữ.

Chia sẻ sau buổi biểu diễn, cô Iseri Chiharu - một người Nhật đã ở Việt Nam hơn 3 năm và đã có hơn 20 lần tổ chức biểu diễn trà đạo đồng thời mở lớp dạy trà đạo cho hay: “Mọi lần chúng tôi biểu diễn theo kiểu truyền thống, hôm nay chúng tôi phá cách hiện đại hơn, thể hiện lòng hiếu khách của mình, tùy vào đối phương mà chúng tôi thay đổi phong cách trà đạo của mình. Thông qua buổi biểu diễn này tôi mong rằng những người bạn Việt Nam sẽ cảm thấy Nhật Bản gần gũi hơn, hai nước Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng gắn bó hơn.”

Bạn sinh viên Nguyễn Thanh Tâm (đến từ Nam Định) tâm sự sau buổi biểu diễn: “Nước trà Nhật Bản có vị rất đặc biệt và khá hấp dẫn. Lúc đầu tôi thấy hơi đắng đắng, thơm thơm, nhưng khi trôi xuống họng thì có vị thanh mát, đọng lại rất lâu. Trước khi uống trà, mọi người được mời ăn bánh và loại bánh này cũng khá ngọt, nên sau đó khi uống trà nó trung hòa bớt vị đắng của trà.”

Nghệ thuật trà đạo ra đời trong tầng lớp quý tộc Nhật Bản từ thế kỷ 16, sau đó được phổ biến dần tới người dân Nhật Bản, rồi lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục