Khám sức khỏe lái xe: Chưa “soi” kỹ, thiếu cơ chế giám sát

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các đơn vị vận tải chủ động việc khám sức khỏe cho lái xe nhưng chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình sức khỏe do chưa soi kỹ và bỏ lọt tài xế nghiện ma túy.
Khám sức khỏe lái xe: Chưa “soi” kỹ, thiếu cơ chế giám sát ảnh 1Việc các doanh nghiệp vận tải khám sức khỏe lái xe đầu vào sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Theo Chỉ thị 12 của Chính phủ, việc tổng kiểm tra sức khỏe lái xe kinh doanh vận tải đang được các địa phương trên cả nước thực hiện nghiêm túc. Đây là lần đầu tiên ngành giao thông vận tải triển khai thực hiện nhằm “siết” lại tình trạng lái xe không đảm bảo sức khỏe, nhất là sử dụng chất ma túy, góp phần giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc giao cho các đơn vị vận tải chủ động trong việc khám sức khỏe cho người lái xe vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình sức khỏe lái xe tại địa phương do thiếu giám sát và bỏ lọt nhiều tài xế nghiện ma túy.

Chưa “soi” kỹ, bỏ lọt lái xe nghiện

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay cả nước đã khám sức khỏe cho 127.058 lái xe, phát hiện hơn 400 trường hợp dương tính với ma túy và 1.387 trường hợp không đủ sức khỏe để lái xe kinh doanh vận tải do những nguyên nhân khác.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 59 tỉnh, thành phố đã triển khai khám sức khỏe cho lái xe và có báo cáo kết quả về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Chỉ còn 4 tỉnh chưa có kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo và báo cáo kết quả khám sức khỏe lái xe theo quy định là: Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Sóc Trăng. Trong đợt kiểm tra lần này có tổng số 133.376 lái xe phải thực hiện khám sức khỏe.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, ngoài các địa phương có kế hoạch chi tiết để tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số địa phương để cho các đơn vị vận tải tự tổ chức khám sức khỏe cho lái xe mà không tổ chức giám sát nên kết quả thực hiện chưa phản ánh đúng thực trạng.

Là một trong những tỉnh thành kiểm tra xét nghiệm ma túy đối với các lái xe ôtô, tỉnh Ninh Bình đã tiến hành tổ chức khám sức khoẻ cho người lái xe tại 29/29 đơn vị với 1.051 tài xế. Ông Lê Trọng Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, qua thực tế tổ chức khám sức khỏe của các đơn vị vận tải chỉ phát hiện được 4 trường hợp không đạt tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe (trong đó có 2 trường hợp sử dụng ma túy). Sở đã yêu cầu các đơn vị vận tải thanh lý hợp đồng lao động đối với 4 trường hợp không đủ sức khoẻ lái xe và 23 trường hợp cố tình không khám sức khoẻ để tuyển dụng lái xe mới.

Đánh giá về công tác khám sức khỏe lái xe, ông Thành cho rằng, việc giao cho các đơn vị vận tải chủ động trong việc khám sức khỏe cho người lái xe của đơn vị là tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải bố trí thời gian để các lái xe tham gia kiểm tra sức khỏe song việc này khó chính xác, hiệu quả không cao; đặc biệt là việc kiểm tra, xét nghiệm ma túy vì có báo trước về thời gian.

Theo ông Thành, trên thực tế, tại một số đơn vị vận tải có lái xe bị nghi ngờ sử dụng ma túy nhưng kết quả kiểm tra ma túy lại âm tính nên đơn vị không có lý do để thanh lý hợp đồng.

“Tại các cơ sở y tế của tỉnh Ninh Bình, việc kiểm tra xét nghiệm ma túy chỉ được thực hiện đối với các loại ma túy moocphin và heroin (chỉ sử dụng loại que thử 2 vạch), trong khi hiện nay có các loại ma túy như ma túy đá, thuốc lắc và các loại ma túy tổng hợp khác thì loại que này không phát hiện được. Do đó kết quả kiểm tra sức khỏe tại các đơn vị vận tải gần như không phát hiện được các đối tượng nghiện ma túy,” ông Thành phân tích.

Dẫn chứng, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Ninh Bình thực hiện việc kiểm tra đột xuất và sử dụng que thử 4 vạch (loại que thử phát hiện được hầu hết các loại ma túy) thì đã phát hiện được 16/363 trường hợp có xét nghiệm dương tính với ma túy (tương đương 4,4%).

“Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, đình chỉ ngay việc điều khiển phương tiện và tạm giữ bằng lái của các lái xe có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật,” ông Thành khẳng định.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng từng thừa nhận, việc kiểm tra chất gây nghiện sẽ rất khó vì sau 24 giờ sẽ tự phân hủy.

“Do vậy, muốn kết quả chính xác phải kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, que thử để kiểm tra các loại ma túy cũng khác nhau, chênh nhau khá lớn về chi phí. Tuy vậy, cách làm như thế nào, sử dụng loại que thử nào thì Bộ Giao thông Vận tải không quy định rõ,” ông Linh cho hay.

Thu bằng lái, chấm dứt hợp đồng

Theo ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, nếu phát hiện lái xe không đủ điều kiện sức khỏe hoặc dương tính với chất gây nghiện, ma túy, Sở sẽ có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải chấm dứt hợp đồng lái xe.

“Riêng với các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải không phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe cho đội ngũ lái xe, hoặc cố tình không tham gia đợt khám sức khỏe này, chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo Sở để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các chủ đơn vị kể trên,” ông Nam cho biết.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực tế hiện nay việc kiểm tra sức khỏe lái xe tại các địa phương đều thực hiện tại các bệnh viện, phòng khám... không phải là kiểm tra khi người lái xe đang đi trên đường. Do vậy, khi phát hiện trong cơ thể của người lái xe có chất ma túy thì chưa có chế tài quy định xử lý. Vì vậy, các địa phương không áp dụng các hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với người lái xe theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ khi việc tước bằng lái 24 tháng chỉ được thực hiện khi kiểm tra ma túy các tài xế đang lái xe trên đường.

Nhằm “siết” chặt công tác quản lý lái xe, Tổng cục Đường bộ đã có đề nghị lên Bộ Giao thông Vận tải, trong đó yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng đối với những tài xế khi đi khám sức khỏe bị phát hiện sử dụng ma túy.

Tổng cục cũng đề xuất người bị tước bằng lái chỉ được trả lại bằng sau khi đã chấp hành đủ thời gian xử phạt, kiểm tra đạt yêu cầu về sức khỏe và có kết quả âm tính với chất ma túy tại chính cơ sở đã khám…

Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng có ý kiến chỉ đạo tất cả trường hợp từ chối, không chịu xét nghiệm ma túy khi đi khám sức khỏe đều bị coi là không đảm bảo sức khỏe để lái xe.

Để đảm bảo hoạt động khám sức khỏe lái xe được thực hiện đầy đủ và thực chất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị kinh doanh vận tải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra sức khỏe lái xe đột xuất tại các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là các đơn vị có nhiều trường hợp lái xe trốn tránh khám sức khỏe và các đơn vị kinh doanh vận tải chưa được giám sát quá trình thực hiện trong đợt khám sức khỏe cho lái xe vừa qua.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra công tác tổ chức khám sức khỏe cho lái xe kinh doanh vận tải tại một số địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục