Khánh Hòa: Độc đáo bộ đàn đá cổ của người Raglai ở Khánh Sơn

Đến thăm vùng đất Khánh Sơn - nơi người đồng bào Raglai sinh sống lâu đời, du khách sẽ được thưởng thức những âm thanh của bộ đàn đá cổ - Bảo vật Quốc gia, có niên đại hàng nghìn năm.

Ông Bo Bo Hùng- cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn giói thiệu đàn đá. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Ông Bo Bo Hùng- cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn giói thiệu đàn đá. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Đàn đá Khánh Sơn ở Khánh Hòa là một bộ đàn đá cổ có giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt.

Đàn đá là một loại nhạc cụ cổ được làm từ những khối đá có nguồn gốc tự nhiên, được chạm khắc và điều chỉnh để phát ra các âm thanh khác nhau khi được gõ.

Bộ đàn này được cho là có niên đại hàng nghìn năm, phản ánh kỹ thuật và nghệ thuật âm nhạc cũng như tinh thần tôn giáo và tín ngưỡng của cư dân bản địa cổ xưa ở khu vực này.

Đến thăm vùng đất Khánh Sơn - nơi người đồng bào Raglai sinh sống lâu đời, du khách sẽ được thưởng thức những âm thanh của đàn đá. Ẩn mình giữa núi rừng huyền bí của Khánh Hòa, tọa lạc ở độ cao trung bình 800m so với mặt biển, nơi này không chỉ là điểm dừng chân của những người thích khám phá, “săn mây,” mà còn là quê hương của những âm thanh rộn rã từ đàn đá.

TTXVN_2501dandaco2.jpg
Tỉnh Khánh Hoà giới thiệu bộ đàn đá Khánh Sơn. (Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN)

Nổi tiếng nhất phải kể đến những phiến đá - "đá hát" trong truyền thuyết của người Raglai. Chúng không chỉ là những tảng đá bình thường mà còn ẩn chứa những giai điệu kỳ diệu, là lời “thì thầm” bí mật của núi rừng qua từng âm thanh vang vọng.

Ông Bo Bo Hùng, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, chia sẻ: "Tôi là người con dân tộc Raglai, từ lúc nhỏ đã rất thích chơi các nhạc cụ như mã la, đàn Chapi, kèn bầu rồi đến đàn đá. Bộ đàn đá có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa của đồng bào. Việc giữ gìn và phát huy nét đẹp của loại nhạc cụ này rất được chính quyền địa phương, cộng đồng coi trọng. Bộ đàn đá Khánh Sơn được vinh danh là bảo vật quốc gia, niềm vui và tự hào lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Raglai."

Đây không chỉ là sự công nhận cho một hiện vật văn hóa, mà còn là sự ghi nhận và tôn vinh cho bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Raglai.

Đàn đá không chỉ là nhạc cụ, nó còn là biểu tượng cho tinh thần, trí tuệ và sự sáng tạo của ông cha họ, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Niềm vui này càng trở nên sâu đậm khi họ nhận ra rằng, những giá trị văn hóa và tinh thần mà họ gìn giữ, bây giờ được cả nước công nhận và trân trọng. Điều này không chỉ làm tăng lòng tự hào dân tộc, mà còn khích lệ họ tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Đối với người Raglai, việc này không chỉ là một niềm vinh dự, mà còn là một trách nhiệm quan trọng trong việc duy trì và phát triển văn hóa dân tộc, là cơ hội để giới thiệu văn hóa độc đáo của họ đến với bạn bè quốc tế.

Hai bộ đàn đá Khánh Sơn được một gia đình người dân tộc Raglai ở huyện này tìm thấy và lưu giữ trong những năm chống Mỹ cứu nước. Đến năm 1978, gia đình đã hiến tặng cho chính quyền địa phương để quản lý.

Sau đó một năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã giao hai bộ đàn đá này cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Chủ tịch Hội đồng khoa học đàn đá Khánh Sơn. Sau khi tiếp nhận, ngày 12/9/1979, Bộ Văn hóa và Thông tin đã tổ chức lễ công bố về kết quả sưu tầm, nghiên cứu đàn đá Khánh Sơn.

Nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông, từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khánh Hòa cho biết ông đã trải qua hơn ba thập kỷ gắn kết với nghệ thuật đàn đá, đến nay đã chế tác ra hơn 150 bộ đàn đá độc đáo theo nguyên mẫu của hai bộ đàn đá gốc.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những nhạc cụ đặc sắc theo yêu cầu, ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng chơi đàn đá cho thế hệ trẻ của người Raglai tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh của Khánh Hòa, thông qua một chương trình đào tạo bài bản và khoa học.

“Hai bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy ở tỉnh Khánh Hòa có giá trị lớn, vượt trội so với những bộ đàn đá khác đang lưu hành. Chỉ có hai bộ đàn đá Khánh Sơn mới thực hiện được chủ ý của con người. Đã gọi là đàn, phải thực hiện được giai điệu chủ ý của con người. Không thực hiện được những giai điệu âm thanh réo rắt thì đó chỉ là những hiện vật mang giá trị trưng bày mà thôi,” Nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông tâm sự.

Có thể khẳng định những giá trị lịch sử của đàn đá Khánh Sơn. Trên những thanh đá của bộ đàn đá, các nhà khoa học đã tìm thấy những dấu vết rất “đặc trưng”- chứng tỏ được lưu truyền, tồn tại qua hàng nghìn năm. Những dấu vết này là đặc trưng có giá trị lớn hơn tất cả các bộ đàn đá trong vùng miền Trung-Tây Nguyên hiện nay.

Nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông nhấn mạnh chỉ có bộ đàn Khánh Sơn mới có thể thể hiện được một số yếu tố đặc trưng của con người và văn hóa địa phương. Nhạc sỹ đề cập đến sự quan tâm của địa phương đối với loại hình này.

Năm ngoái, nhờ sự quan tâm của Ủy ban Nhân dân tỉnh, bộ đàn đá đã được trở về Bảo tàng Khánh Hòa. Bày tỏ quan điểm về việc phổ cập và bảo tồn nghệ thuật truyền thống, ông cho biết, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực trong việc phát triển và giới thiệu nghệ thuật này. Đặc biệt, huyện Khánh Sơn đã chú trọng đến việc đào tạo cho thế hệ trẻ, mở lớp học cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 2.

Nhạc sỹ Nguyễn Phương Đông chia sẻ về quá trình chế tác đàn đá mới, từ việc lựa chọn đá phù hợp đến kỹ thuật chế tác. Hiện nay, ông đã tận tâm biên soạn nhiều bộ giáo trình và bài tập, bao gồm các phần tiết tấu, âm sắc và giai điệu hiện đại, nhằm nâng cao trình độ chơi đàn đá.

Bên cạnh đó, ông cùng các nghệ sỹ khác đang tích cực giảng dạy, hướng dẫn cho nhiều bạn trẻ người Raglai địa phương trong việc học và thực hành đàn đá.

Ông Cao Mỹ Vỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Sơn cho biết ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia cho 28 hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn.

Bộ đàn đá Khánh Sơn được công nhận là bảo vật quốc gia, nhân dân trong vùng rất mừng khi đón nhận niềm vui này.

Đây là một giá trị văn hóa tốt đẹp, giá trị tâm linh của người dân, đặc biệt là việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Raglai tại vùng đất Nam Trung Bộ-Tây Nguyên. Xưa kia, đàn đá dùng để xua đuổi muông thú và còn là nhạc cụ, nhạc khí được dùng trong các lễ hội văn hóa của người đồng bào Raglai, gắn bó với đời sống của người dân.

Huyện Khánh Sơn đã mở được hai lớp với khoảng 120 em. Đến nay, các em đều chơi đàn đá rất thuần thục. Từ đây, các em tiếp tục phát huy nét đẹp văn hóa này. Đặc biệt, xa hơn nữa, địa phương sẽ tổ chức Festival đàn đá, nhằm giao lưu các bộ đàn đá giữa các địa phương trên toàn quốc.

Đàn đá Khánh Sơn không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây, mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và trí tuệ Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới. Trong ánh nắng vàng của buổi hoàng hôn, tiếng đàn đá vẫn vang vọng khắp thung lũng Khánh Sơn, không chỉ là âm nhạc mà còn là lời nhắc nhở về một di sản quý giá được bảo tồn và trân trọng qua bao thế hệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục