Khánh Hòa xuất khẩu cá ngừ đại dương sang các thị trường giảm 30%

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, từ cuối năm 2022 đến nay xuất khẩu cá ngừ đại dương đi các thị trường đang rất khó khăn, đơn hàng xuất khẩu chỉ đạt từ 30-40% so với các năm trước.
Khánh Hòa xuất khẩu cá ngừ đại dương sang các thị trường giảm 30% ảnh 1(Ảnh minh họa. Phạm Cường/TTXVN)

Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết 2 tháng đầu năm nay, số lượng hàng xuất khẩu cá ngừ đại dương của các doanh nghiệp tại Khánh Hòa đi các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật đều khó khăn, giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình trạng này khiến giá thu mua cá ngừ nguyên liệu giảm, tác động trực tiếp đến đời sống của rất nhiều ngư dân.

Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện tỉnh có 64 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương lớn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Vương, Công ty Tín Thịnh, Công ty Thịnh Hưng,…, chuyên xuất khẩu đo các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Riêng đi thị trường châu Âu có 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương, các tháng đầu năm, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu trên 200 tấn cá ngừ đại dương sang thị trường này. Từ cuối năm 2022 đến nay, xuất khẩu cá ngừ đại dương đi các thị trường khá ảm đạm, đơn hàng xuất khẩu ít hơn cùng kỳ các năm trước.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, từ cuối năm 2022 đến nay xuất khẩu cá ngừ đại dương đi các thị trường đang rất khó khăn, đơn hàng xuất khẩu chỉ đạt từ 30-40% so với thời điểm này các năm trước. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu cá ngừ Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật… đều bị chậm, có đến 70-80% khách hàng tạm dừng nhập hàng.

[Trà Vinh: Cá lóc đều đặn tăng giá, đạt 50.000 đồng mỗi kg]

Nguyên nhân chủ yếu là do lượng hàng tồn kho ở thị trường tiêu thụ khá lớn. Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ nhận rất ít đơn đặt hàng đã kéo theo giá cá ngừ nguyên liệu cũng giảm theo. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn duy trì giá thu mua nguyên liệu cao hơn giá thị trường để động viên ngư dân bám biển, ổn định nguồn nguyên liệu.

Ông Võ Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng, thành phố Nha Trang cho biết: "Trong chuyến biển tháng trước, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ với sản lượng thấp, chưa đến 1 tấn cá/tàu. Hiện là thời điểm này đang là chính vụ khai thác cá ngừ đại dương nhưng sản lượng thấp.

Ngoài ra, giá bán cá giảm ở mức từ 120.000-125.000 đồng/kg; giảm 20.000-25.000 đồng/kg so với các chuyến biển năm 2022. Như vậy, bình quân mỗi chuyến biển kéo dài từ 15-20 ngày, ngư dân phải chi phí 120 triệu đồng, với sản lượng, giá bán nói trên, hầu hết các tàu chỉ vừa đủ vốn hoặc thua lỗ sau khi trừ chi phí."

Chia sẻ về khó khăn của ngư dân, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ - cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ, cho biết chuyến biển xuyên Tết vừa qua các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đạt sản lượng trung bình trên 1 tấn cá/tàu. Cụ thể từ đầu năm đến nay, nhiều tàu đánh cá ngừ sản lượng thấp và giá cũng giảm sâu, đa số thuyền về chỉ được từ 4-5 con, rất ít thuyền chỉ đạt từ 9-10 con cá ngừ. Trước tình trạng sản lượng đánh bắt thấp nhiều tàu cá không ra khơi mà chỉ nằm bờ.

Do giá cá ngừ thu mua ở mức thấp, trong khi chi phí chuyến biển tăng cao nên hầu như các tàu đánh bắt huề vốn hoặc thua lỗ. Đối với chuyến biển trong tháng 2, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương dự kiến 1 tuần nữa sẽ cập cảng. Tuy nhiên, chuyến biển này cũng chỉ khoảng 70% số tàu vươn khơi, bởi ngoài tổn phí tăng cao, sản lượng đánh bắt thấp thì việc thiếu lao động đi biển cũng là nguyên nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục