Trà Vinh: Cá lóc đều đặn tăng giá, đạt 50.000 đồng mỗi kg

Từ cuối năm 2022, giá lóc tại Trà Vinh bắt đầu tăng từ mức 35.000 đồng/kg lên 40.000-42.000 đồng/kg và đến nay lên mức cao nhất 48.000-50.000 đồng/kg.
Trà Vinh: Cá lóc đều đặn tăng giá, đạt 50.000 đồng mỗi kg ảnh 1Thu hoạch cá lóc. (Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Nông dân chuyên nghề nuôi cá lóc (cá quả) ở tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi nhờ giá cá lóc thương phẩm từ đầu tháng 3 đến nay được thương lái thu mua tại ao từ 48.000-50.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

Với giá cá này, nông dân lãi ròng 15.000 đồng/kg cá thương phẩm.

Ông Thạch Thiên, hộ chuyên nuôi cá lóc ở xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết từ cuối năm 2022, giá lóc bắt đầu tăng từ mức 35.000 đồng/kg lên 40.000-42.000 đồng/kg và đến nay lên mức cao nhất 48.000-50.000 đồng/kg.

Giá cá lóc tăng và ổn định là do thời điểm cuối vụ nuôi, nguồn cung cá thương phẩm giảm so với thời điểm tháng 10-11.

[Cháo cá lóc rau đắng - món ăn giúp giải nhiệt, giải cảm trong mùa Hè]

Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm về thị trường qua nhiều năm, nên người nuôi cá lóc đã chuyển sang nuôi rải vụ, luân canh thả cá giống để tránh thu hoạch tập trung, bị rớt giá.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú cho biết Trà Cú là địa phương có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất tỉnh. 

Toàn huyện có diện tích ao nuôi cá lóc gần 450 ha, với hơn 1.500 hộ dân nuôi. Tổng sản lượng cá lóc thương phẩm thu hoạch năm 2022 ước đạt 46.250 tấn, chiếm 80 % sản lượng cá lóc thương phẩm nuôi của toàn tỉnh.

Hầu hết hộ dân chuyên nuôi cá lóc đều nuôi 2 vụ/năm, với thời gian nuôi khoảng 5 tháng thu hoạch, cá đạt trọng lượng từ 0,7-1,2 kg/con.

Với mức giá cá thương phẩm 40.000 đồng/kg, người nuôi đã đạt lợi nhuận 40-50 triệu đồng/1.000m2 mặt nước ao.

Theo ông Huỳnh Văn Thảo, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cùng chính quyền địa phương đang khuyến khích nông dân nuôi cá lóc bố trí hệ thống ao an toàn, gồm ao nuôi, ao lắng cung cấp nước, ao xả thải để tránh ô nhiễm.

Ngoài ra, hộ nuôi cá cần bố trí thêm ao nuôi dự phòng để thả con giống luân canh, giảm thu hoạch tập trung, hạn chế được tình trạng cung vượt cầu bị rớt giá.

Nông dân có sẵn ao nuôi dự phòng khi thu hoạch chọn cá chưa đạt kích cở tiếp tục nuôi để bán được giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục