Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sáng 12/2, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình Đài Tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968.”
Dự buổi lễ có nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; đại diện một số đơn vị, sở, ban, ngành của Thành phố; đại diện thân nhân gia đình các chiến sỹ biệt động thành đã hy sinh trong trận đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968; các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử; đại diện các tầng lớp nhân dân Thành phố.
Ông Huỳnh Văn Chúm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ôn lại trận chiến đấu dũng cảm của 11 chiến sỹ biệt động thành tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968.
Trong trận đánh này, 10 chiến sỹ của ta đã hy sinh anh dũng sau hơn một đêm chiến đấu ngoan cường, đối đầu với kẻ thù đông hơn, mạnh hơn nhiều lần về hỏa lực.
[Triển lãm chuyên đề "Tết Mậu Thân 1968 - bước ngoặt lịch sử"]
Việc hoàn thành công trình Đài Tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968” thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các chiến sỹ biệt động Sài Gòn, lực lượng vũ trang Thành phố, qua đó tuyên truyền thiết thực truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, xứng đáng với các thế hệ tiền nhân, xứng đáng với Thành phố anh hùng.
Đài Tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968” được đặt trong khuôn viên trụ sở Đài Phát thanh nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại số 3, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 79m2, phần kết cấu chính là cụm tượng 2 nhân vật chiến sỹ biệt động thành bằng đồng, đặt trên bệ bê tông ốp đá granit.
Đài Tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968” là một trong 9 công trình được xây dựng và tôn tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tưởng niệm các chiến sỹ biệt động hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968./.