Dưới mưa bom bão đạn của quân thù, ròng rã 81 ngày đêm từ 28/6-16/9/1972 tại Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), với ý chí chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vẻ vang.
Suốt 81 ngày đêm, mỗi giây, mỗi phút trôi qua được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, máu và nước mắt của biết bao lớp người ngã xuống trên mảnh "đất thiêng" đã góp phần tô thắm mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, lay động trái tim, thức tỉnh lương tri loài người trên toàn thế giới về bản lĩnh kiên cường, khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình và phát triển của người dân đất Việt.
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022) và 50 năm cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện chùm 4 bài viết về chủ đề này.
Tỉnh Quảng Trị nói chung, thị xã Quảng Trị nói riêng là nơi chiến địa ác liệt, nơi khắc ghi nỗi đau, sự khốc liệt của chiến tranh. Mảnh đất này không chỉ là điểm hẹn tâm linh, điểm đến tri ân của đồng bào, chiến sĩ cả nước, mà còn là hiện thân, nơi hội tụ của khát vọng hòa bình.
Không gian linh thiêng
Thành cổ Quảng Trị là công trình thành lũy quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và ngụy quyền Sài Gòn. Sau những biến cố của lịch sử, ngày nay Thành cổ Quảng Trị và Đền tưởng niệm bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc sông Thạch Hãn đã trở thành "không gian linh thiêng," bởi cuộc chiến đấu suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972 đã đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới.
Thành cổ Quảng Trị hôm nay đã trở thành điểm đến tri ân của người dân trong và ngoài nước, hằng ngày dòng người đến đây để thắp nén tâm nhang, dâng những đóa hoa tươi thắm, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ. Không ai bảo ai nhưng mỗi người đều dành phút tưởng niệm riêng: "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng."
[81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị: Khúc tráng ca bất tử]
Cầm bó hoa huệ trắng khi đến Thành cổ Quảng Trị viếng đồng đội, cựu chiến binh Phạm Hồng Cam (72 tuổi, ở Thanh Hóa), người từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, lặng người nhìn theo những làn khói hương lan tỏa.
Cựu chiến binh Phạm Hồng Cam chia sẻ: "Tôi may mắn được sống sót nhưng đồng đội tôi đã mãi nằm lại trên mảnh đất này. Các anh mãi ra đi trong độ tuổi đẹp nhất của đời người để viết nên bản anh hùng ca bất tử trong cuộc kháng chiến trường kì bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ đã hiến dâng cuộc đời mình để góp phần làm cho mảnh đất này nói riêng và Tổ quốc nói chung được yên bình; để cho thế hệ trẻ hôm nay càng thấm thía và trân quý hơn giá trị của hòa bình."
Trong 81 ngày đêm "mùa hè đỏ lửa" năm 1972, hàng ngàn chiến sĩ đã bất chấp hiểm nguy, bí mật vượt sông Thạch Hãn để lập nên những chiến công hiển hách. Dưới làn mưa bom bão đạn và khí hậu khắc nghiệt, rất nhiều người con của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, máu xương của các anh đã hòa vào dòng Thạch Hãn. Chiến tranh đã lùi xa, dòng sông Thạch Hãn ngày nay được xem như một nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ.
Định kỳ tổ chức vào ngày 14 âm lịch hằng tháng, đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn là dịp để người dân địa phương và cả nước tri ân các Anh hùng liệt sĩ, trở thành nét độc đáo trong văn hóa tâm linh ở vùng đất "thiêng" Quảng Trị. Riêng trong tháng 7 - tháng tri ân, đêm hoa đăng thường xuyên được tổ chức, người dân cả nước về đây, kính cẩn nghiêng mình, thắp một nén hương, ngọn nến, thả một nhành hoa trên sông Thạch Hãn để tri ân những người con đã ngã xuống vì non sông đất nước.
Khi thời khắc thả hoa đăng điểm bằng tiếng chuông thánh thót giữa không gian tĩnh lặng, từng nhóm du khách thập phương lần lượt thả hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn. Cứ mỗi đêm về, hàng nghìn đèn hoa đăng mang theo tình cảm tri ân, nối nhau thắp sáng dòng sông Thạch Hãn, cùng lời nhắc: "Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm."
Hàng năm cứ vào dịp tháng 7, bà Phạm Thị Thủy (56 tuổi), từ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế đều dành thời gian đến dâng hương và thả hoa đăng ở đôi bờ Bắc-Nam sông Thạch Hãn. Bà Thủy xúc động chia sẻ: "Đến với không gian thiêng từ Thành cổ Quảng Trị ra sông Thạch Hãn, dường như trong lòng ai cũng có phút lắng đọng để tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống và nằm lại nơi đây."
Hướng đến đô thị hòa bình
Ngày hòa bình lập lại, thị xã Quảng Trị khi đó bị san bằng, hủy diệt, ruộng đồng hoang hóa, đầy rẫy hố bom, mìn. Là địa phương có Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và các di tích ghi dấu ấn sự kiện 81 ngày đêm, thị xã Quảng Trị đã và đang phát huy lợi thế để hoạch định kế hoạch phát triển. Trong đó, trọng tâm là phát triển du lịch tâm linh - hoài niệm' với các chương trình như: "Đêm hoa đăng" trên sông Thạch Hãn, "Đêm Thành cổ" ở Thành cổ Quảng Trị; thắp nến tri ân, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Việc khai thác du lịch tâm linh-hoài niệm không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, mà còn hòa vào dòng chảy của thời đại với đầy ắp khát vọng hòa bình và phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: "Xây dựng thị xã Quảng Trị giàu đẹp, văn minh, thân thiện, nghĩa tình, phấn đấu đạt đô thị loại III vào năm 2025, hướng đến đô thị hòa bình."
Đô thị hòa bình mà địa phương hướng tới mang đặc trưng của một vùng đất đi lên từ sự hủy diệt của chiến tranh, đang hồi sinh và phát triển giàu đẹp, văn minh, thân thiện, điểm hẹn của nhân loại tôn vinh các giá trị của hòa bình, trung tâm tổ chức các sự kiện vì hòa bình; nơi tri ân các Anh hùng liệt sĩ và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, là "địa chỉ đỏ" thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc.
Theo Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm, để xây dựng đô thị hòa bình, địa phương cần tập trung xây dựng một số tuyến đi bộ gắn với biểu trưng "Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm" để thu hút du khách; tiếp tục thực hiện "tính thiêng" của không gian tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị thông qua các hoạt động tri ân và dịch vụ trải nghiệm "Đêm Thành cổ;" kết nối du lịch văn hóa, tâm linh với du lịch lịch sử cách mạng, tri ân hoài niệm.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã xây dựng Đề án tổ chức Festival Vì hòa bình với không gian chính ở Thành cổ Quảng Trị. Festival Vì hòa bình cũng mở rộng không gian ra các nghĩa trang liệt sỹ và di tích lịch sử cách mạng nhằm tri ân các Anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng; đồng thời thể hiện khát vọng tự do, yêu chuộng hòa bình. Định kỳ tổ chức hai năm/lần vào tháng 7, thông điệp Festival Vì hòa bình nhắn gửi là tôn vinh giá trị của hòa bình.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chia sẻ Quảng Trị là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế. Khát vọng hòa bình hôm nay và mai sau cũng chính là nói lên tâm nguyện của hàng chục nghìn anh linh liệt sỹ, các nạn nhân chiến tranh đang ở trong lòng đất mẹ Quảng Trị.
Festival Vì hòa bình nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, đồng thời đây cũng là thông điệp chuyển tải của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới./.