Đón Tết trong cõi tỉnh mê

Khát vọng tết quê trong cõi nửa tỉnh nửa mê

Tết trong viện có nỗi buồn riêng và niềm vui chung với người cùng cảnh ngộ. Nhưng nhớ nhà ghê lắm, ruột gan rối bời như người xa xứ...
“Tết trong viện buồn cái buồn riêng nhưng vui cái vui chung, có những người cùng cảnh ngộ. Nhưng nhớ nhà ghê lắm, ruột gan rối bời như người xa xứ.

Ăn tết trong viện cũng đã gần tám năm, chỉ mong chú nó khỏe bệnh, hai anh em về quê với thầy u, sống trong những cái tết cuối đời với gia đình, thôn xóm…” Ông Hà, người đàn ông khắc khổ đã nhiều năm vào Nam ra Bắc chữa bệnh cho em trai, cũng là người giữ kỷ lục về số năm ăn tết ở khoa Tâm thần tâm sự với chúng tôi.

Tết thấy nhớ… u

Lặng ngắm Hưng và Nam, hai chàng trai mới chớm 20 nhưng lững thững nhai cơm như đứa trẻ. Nam và Hưng đến từ hai xã của tỉnh Hà Nam, hai em bị biến chứng bệnh tâm thần phân liệt từ trận sốt hồi mới 8, 9 tuổi.

Hỏi các em “Năm nay hai em có về quê ăn tết không?”. Nam chỉ cười ngây ngô. Lại hỏi “Tết năm nay, ai mua áo mới?”em vẫn lơ đãng với những suy nghĩ riêng.

Cậu bạn tôi đánh bạo, hỏi “tết hai em thích gì nào, để anh tặng”. Hưng bỗng toe miệng cười, như một giây láu cá, tinh khôn: “lì xì, lì xì.”

Chợt, Nam rơi một giọt nước mắt, nói thơ thẩn “U, u, về với u” may quá, có một bác sỹ trấn an chúng tôi: “Không phải Nam khóc, đó là những hồi ức vụn vỡ, khát vọng từ sâu bên trong thỉnh thoảng lại dẫy lên, khiến các em bập bẹ những lời nói, cảm xúc như người thường. Những lúc ấy, các em rất buồn hoặc lặng đi chốc lát…”

Người đàn ông mặc áo kẻ sọc ngồi lặng im giữa hành lang. Chốc chốc lão lại thở dài đánh thượt. Gương mặt điển trai có gì đó rất… tỉnh dễ khiến người đối diện chắc mẩm, lão hẳn thuộc về một thế giới khác-ngoài chốn nửa tỉnh nửa mê của khoa Tâm thần, bệnh viện quân y 103 (Hà Nội).

Nhưng, lão cứ ngồi thế suốt sáng đến bữa cơm trưa, không cười nói, không than vãn và cũng chẳng hề nhõng nhẽo như phần lớn “hàng xóm” của mình.

Theo bệnh án mà bác sĩ Bùi Xuân Huy, trưởng khoa Tâm thần đưa cho chúng tôi, ông tên Nguyễn Văn Thoán. Mọi người trong khoa vẫn nhớ như in ngày ông lão có đôi mắt vằn đỏ, dại đi đầy sợ hãi, nhập viện.

Ngày đó, mọi người được một phen phát hoảng vì cả đêm lão chẳng chợp mắt một phút, lại liên mồm chửi mắng. Ngay đêm đầu tiên ở lại khoa, lão đã khiến cả “xóm bệnh” dựng tóc gáy.

Thế nhưng, ở chốn “ngây dại” này như thế vẫn còn “khá” so với những ngày ông ở nhà. Bà Phạm Thị Lịch, vợ ông, tuổi cũng ngoài 60 nhưng suốt 3 tháng liền, chẳng đêm nào bà có một giấc ngủ… cho ra ngủ.

Suốt mấy tháng ròng, lão cứ chong mắt thức trắng như thế. Như chẳng đã, lão còn bỗng sinh trái tính, ai nói gì khuyên gì cũng gắt gỏng, chửi bới om sòm. Thậm chí, lúc không vừa lòng, lão lôi vợ ra đánh cho tím tái mặt mày.

Trời thương vợ chồng bà Lịch, 3 tuần chữa trị ở khoa Tâm thần bệnh viện 103, tâm trí của ông Thoán cũng dần tỉnh táo. Có thể ngồi bần thần cả buổi như thế nhưng hễ có người bắt chuyện là ông lại hớn hở lắm.

Ông Hoán cũng ríu rít như đứa trẻ khi kể về dự định: “Tôi động viên nhà tôi, rằng tôi đã khá nhiều, vài hôm nữa ra viện. Hai vợ chồng già về quê ăn tết. Tuổi già bệnh tật, chẳng biết được đến ngày nào, tết giữa quê hương, gia đình vẫn là nhất.”

Lão khoe với chúng tôi về hai cô con gái học đại học xa nhà, gọi điện bảo rằng tết này về thăm bố mang bao nhiêu là quà. “Tôi hứa với bọn trẻ, chuyến này về mấy bố con đi chọn cây quất, cành đào trang trí nhà.” Lão bảo, đơn giản thế thôi, nhưng lão mong lắm, nhớ lắm, chẳng hiểu vì sao.

“Vui nhất là những ngày mùng 2, mùng 3 Tết, cả nhà lại quần áo tươm tất đi chúc Tết đó đây. Ngày trước, đi chơi nhưng cứ nơm nớp không biết ông ý trái tính lúc nào,” bà Lịch cười nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được về nhà ăn tết quê hương như vợ chồng ông Thoán. Không ít người trong miền đất ảo, khoa Tâm thần chắc chắn sẽ phải ở lại khoa dịp Tết này.

“Họ biết tết, biết… tuốt"

Bác sĩ Bùi Xuân Huy, trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện 103 vẫn nhớ những đêm 30 Tết, cả khoa còn hơn chục người bệnh phải ở lại. Lúc ấy, cả khu nhà mênh mông cứ vắng tanh vắng ngắt.

Trống vắng như tăng thêm nỗi cô độc,  anh em bác sỹ đánh liều cho mọi người ở chung trong một phòng bệnh lớn như một gia đình. Lạ làm sao, hằng ngày những người bệnh thường bướng bỉnh, kỳ cục là thế, được ở chung, bỗng chan hòa, nhu mỳ như tuổi biết thẹn thùng, làm duyên.

Anh Huy bảo, bác sỹ trong khoa đều có phòng riêng cả, nhưng năm ngoái, chẳng ai chịu ngồi lại một mình, mà cứ đi ra đi vào phòng chung vui tết cùng các bệnh nhân.

“Anh em còn bê hẳn tivi sang xem Táo quân, cả phòng mười mấy người được một phen cười nghiêng ngả. Có thể nụ cười của họ, không chủ ý như chúng tôi, nhưng niềm vui tự phát đó cũng an ủi anh em bác sỹ, vì ít ra họ vơi đi nỗi nhớ nhà hay tủi thân,” anh Huy nói.

22 năm làm trong viện, 22 năm đón Tết cùng bệnh nhân, anh Huy bảo, vẫn nhớ những thời khắc lúc pháo hoa bắn đì đùng trên đầu. Anh lại cùng mấy người trong khoa đem quà đi tặng từng người. Quà cũng giản dị thôi, mỗi người được gói bánh, gói kẹo vui Tết.

“Quà Tết đơn giản nhưng nhiều bệnh nhân cứ ôm chặt trong người, quý lắm. Nhìn khuôn mặt sáng ngời, như trẻ được nhận lì xì, áo mới của họ, có người còn khóc ngon lành làm anh em dỗ mãi mới nín, khiến chúng tôi hạnh phúc biết bao...” anh Huy bồi hồi nhớ lại.

Lúc tiễn chúng tôi ra, anh Huy nhắn nhủ: “Các bạn viết gì mình không cấm, cũng không dám hy vọng các bạn cảm nhận được hết chỉ trong một ngày ở đây. Những bệnh nhân tâm thần có những trạng thái cảm xúc phong phú lắm. Họ cũng biết về tết, biết nhớ gia đình, nhớ lại tết quê khi xuân về. Họ ríu rít thể hiện khi có viện một người bạn mới… Một niềm vui tết khác, nỗi nhớ khác và cách yêu khác- trong cõi riêng của họ.”

Xuân Dũng - Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục