Khi chủ nghĩa biệt lập Mỹ trỗi dậy, đừng nghĩ tới thương mại tự do

Chủ nghĩa dân tộc xem "những người toàn cầu hóa," vốn ủng hộ thương mại tự do, các tổ chức siêu quốc gia, hợp tác xuyên biên giới, là đối thủ.
Khi chủ nghĩa biệt lập Mỹ trỗi dậy, đừng nghĩ tới thương mại tự do ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp báo ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông sẽ "tạm dừng nhận người nhập cư" vào Mỹ để "bảo vệ việc làm," cùng với một quyết định trước đó của chính quyền Mỹ về việc ngừng đóng góp cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là chính sách đáng chú ý trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đang hoành hành trên toàn cầu.

Cả hai động thái này đều phản ánh những ưu tiên sâu sắc và dài hạn của chính quyền Mỹ, và các nguy cơ phân lập có khả năng đang hiện hữu đối với trật tự toàn cầu và thương mại quốc tế.

Quyết định tạm dừng cấp "thẻ xanh" đã làm nổi bật lên một trong những quyết tâm quan trọng đối với chính quyền Trump ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ.

Ông Trump đắc cử trong bối cảnh làn sóng dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy, nghiêm trọng tới mức gây ra những lo ngại về sự nổi lên của chủ nghĩa phátxít mới ở nước này.

[Nhìn lại thế giới 2019: Năm kịch tính của Tổng thống Mỹ D.Trump]

Chủ nghĩa dân tộc xem "những người toàn cầu hóa," vốn ủng hộ thương mại tự do, các tổ chức siêu quốc gia, hợp tác xuyên biên giới, là đối thủ.

Trong quan niệm của những người dân tộc chủ nghĩa, đối tượng mang tính ý thức hệ bị thù ghét chính là Liên hợp quốc. Một tổ chức siêu quốc gia, phi trách nhiệm, nắm quá nhiều quyền lực nhưng hoạt động rất kém hiệu quả, từ lâu đã bị các lực lượng cánh hữu ở Mỹ nhắm tới. Do đó, với tư cách là một cơ quan Liên hợp quốc, WHO chính là một mục tiêu thích đáng, và quyết định ngừng tài trợ cho WHO có lẽ không gây tổn hại đến uy tín của Tổng thống Trump trong bộ phận cử tri ủng hộ ông.

Tuy nhiên, quyết định nêu trên đã khiến vai trò của Mỹ trong các tổ chức đa phương ngày càng suy yếu khi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đang đòi hỏi sự hợp tác quốc tế.

Nhiều khả năng quyết định này cũng sẽ khiến WHO trở nên đồng cảm hơn với các quan điểm của Trung Quốc, nhất là nếu Trung Quốc quyết định lấp đầy khoảng trống về nguồn quỹ và sự hỗ trợ mà Mỹ đã để lại ở WHO.

Không những vậy, quan điểm biệt lập của Mỹ còn vượt ra khỏi các mục tiêu ở Liên hợp quốc và mở rộng tới tất cả các cơ chế hợp tác đa phương.

Không hề ngẫu nhiên khi một trong những động thái đầu tiên mà chính quyền Trump thực hiện chính là quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn là một thỏa thuận thương mại tự do cho các nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương.

Tiếp đó là một chuỗi các bước đi khác, bao gồm rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đối khí hậu, chấm dứt sự tham gia của Mỹ trong thỏa thuận đa phương về vấn đề hạt nhân Iran, và hiển nhiên, việc dựng lên hàng loạt biện pháp thuế quan và phi thuế quan nhằm gây trở ngại cho thương mại tự do (cho dù với mục đích tối hậu là tạo đòn bẩy buộc những nước khác phải nhượng bộ trong các thỏa thuận thương mại mới).

Khi chủ nghĩa biệt lập Mỹ trỗi dậy, đừng nghĩ tới thương mại tự do ảnh 2Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đang tấn công nước Mỹ, những tiếng nói trong đội ngũ của ông Trump kêu gọi Mỹ cần biệt lập hơn đang cảm thấy như được khích lệ.

Ngôn ngữ thường được dùng để mô tả loại virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), một kẻ thù vô hình đến từ nước ngoài, lại gắn với ý nghĩa rằng cách tối ưu để ứng phó với COVID-19 đó là phải đóng cửa biên giới Mỹ.

Việc ngăn chặn dòng người nhập cư mới là điều phù hợp với quan điểm của ông Trump từ những ngày đầu nhậm chức: Tự thân, nước Mỹ sẽ thịnh vượng và an toàn hơn.

Điều gây lo ngại hơn nữa là thực tế rằng những quan điểm này không chỉ được chính quyền đương nhiệm và những người ủng hộ họ theo đuổi.

Chủ trương của chính quyền Trump trong việc hạn chế phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài, nhất là của Trung Quốc, cho các mặt hàng có giá trị chiến lược đã nhận được sự ủng hộ quan trọng của lưỡng đảng.

Việc Tổng thống Trump hồi tháng 3 phải ban hành một sắc lệnh hành pháp giúp ông có thể buộc các doanh nghiệp phải sản xuất các thiết bị bảo hộ cá nhân là điều tốt lành đối với Washington.

Các nước khác cũng đã tận dụng thời điểm hiện nay để tăng cường đa dạng hóa hoặc nội địa hóa các nguồn cung. Nhật Bản đã công bố dự thảo một gói ngân sách kích thích kinh tế, trong đó dự kiến dành khoảng 2 tỷ USD cho các nhà sản xuất có kế hoạch đưa các nhà máy của họ trở lại Nhật Bản.

Ngay cả các lĩnh vực chính sách, vốn chập chững hướng đến thương mại tự do hơn và hợp tác đa phương mở rộng hơn, hiện nay dường như lại đang đứng yên. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, có vẻ đã tạm ngừng khi hai nước đạt được thỏa thuận Giai đoạn 1 hồi tháng 1 vừa qua, nhưng nay có khả năng tái bùng nổ khốc liệt hơn.

Theo nhận định của nhiều cựu quan chức Mỹ, cơ hội tiến đến một thỏa thuận giai đoạn 2 là "không tồn tại," và Washington dường như ưu tiên xu hướng đối đầu hơn là hợp tác với Trung Quốc.

Do đó, một đại dịch vốn đang trở nên trầm trọng hơn vì toàn cầu hóa có thể dẫn tới việc các nước sẽ dần giảm bớt việc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đó.

Dù rằng, điều trớ trêu đó là với hậu quả nặng nề do COVID-19 để lại, khi các nền kinh tế rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái 90 năm trước, thì một "phương thuốc" cần thiết đó là tăng cường, chứ không phải là hạn chế, trao đổi thương mại.

Về mặt lịch sử, các nền kinh tế linh hoạt, đa dạng và cởi mở đã chứng tỏ khả năng quản lý khủng hoảng ưu việt hơn, trong khi hoạt động thương mại đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ nửa sau của thế kỷ 20.

Nhằm thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu và tăng cường trật tự quốc tế sau đại dịch, việc quay lại với các thỏa thuận thương mại và hợp tác đa phương sẽ là xu hướng có lợi.

Sự thay đổi về đường lối có vẻ ít khả năng xảy ra với Tổng thống Mỹ hiện nay. Ngay cả nếu xuất hiện một sự thay đổi nào đó sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây thì xu hướng đang phát triển mạnh mẽ trong lưỡng đảng Mỹ là hạn chế trao đổi thương mại với Trung Quốc sẽ "kìm chân" bất kể ai ngồi vào ghế tổng thống ở Nhà Trắng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục