Trang mạng nationalinterest mới đây đăng bài viết của Nikolas K. Gvosdev, Giáo sư về địa lý kinh tế và an ninh quốc gia của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ và là thành viên cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ, bàn về việc liệu virus Corona có phải là phương cách lấy "độc trị độc," có thể giúp điều chỉnh các vấn đề toàn cầu hóa hay không?
Bài viết có nội dung như sau:
Đại dịch virus corona đang là "liều thuốc" thử mức độ căng thẳng của một hệ thống toàn cầu vốn đã bắt đầu rạn nứt.
Theo những gì các sinh viên của tác giả tại Đại học Chiến tranh Hải quân gọi là tình trạng "toàn cầu hóa bị gãy,” dịch viêm dường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đang đẩy nhanh một loạt quá trình phân rã, mà có thể dẫn đến việc mở ra một thế giới hậu Chiến tranh Lạnh được chờ đợi từ lâu.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, canh bạc dẫn dắt chính sách đối ngoại của Mỹ là việc thiết lập một loạt chuỗi cung ứng toàn cầu dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ sẽ tạo ra các cộng đồng có lợi ích khi giảm xung đột và tăng sức hấp dẫn của việc tuân thủ các quy tắc của trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo trong khi việc hạ thấp các rào cản sẽ làm tăng sự thịnh vượng cho tất cả các nước.
Thương lượng chính trị ở cả trong và ngoài nước là việc "những người chiến thắng" trong toàn cầu hóa sẽ tìm cách bù đắp cho "những người thua cuộc” và kết quả cuối cùng sẽ là một thế giới hòa bình, hội nhập bao gồm một cộng đồng quốc tế.
Đáng chú ý, đây là cách tiếp cận chiến lược đối với Trung Quốc được thiết kế để định hướng cho sự trỗi dậy và phát triển của nó trở thành một bên liên quan có trách nhiệm.
Nó cũng được phản ánh trong một loạt sáng kiến được thiết kế để thu hút và kết nối các dân tộc khắp nơi trên thế giới. Ví dụ, để củng cố các thỏa thuận hòa bình của Ai Cập và Jordan với Israel, các đặc khu đã được tạo ra nơi các nguyên liệu và linh kiện thô có thể được sản xuất rồi được gửi tới Israel để nâng cao giá trị gia tăng. Sau đó, chúng sẽ được nhập khẩu vào Mỹ như thể chúng là hàng hóa sản xuất trong nước.
Trong hai thập kỷ qua, Mỹ đã hy vọng rằng một hành lang năng lượng từ Turkmenistan qua Afghanistan đến Pakistan và Ấn Độ có thể tạo ra sự hỗ trợ cho hòa bình. Đỉnh cao được cho là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), mà sẽ tạo ra hai khu vực thương mại tự do rộng lớn, trong đó Mỹ là trung tâm.
[Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu]
Nhưng kế hoạch này đã bị gián đoạn bởi một loạt xu hướng. Đầu tiên là ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của “những người tự cho là thua cuộc trong toàn cầu hóa,” được thể hiện trong cả các phong trào dân túy cánh hữu và cánh tả ở tất cả các nền dân chủ công nghiệp phương Tây.
Biên giới và chủ nghĩa bảo hộ đã quay trở lại trong một thế giới được cho là không biên giới của thế kỷ 21 khi công dân của các quốc gia có chủ quyền tìm kiếm các rào cản chống lại sự xuất hiện của những người bên ngoài cũng như hàng hóa và dịch vụ.
Thứ hai là khả năng của Trung Quốc trong việc sửa đổi các quy tắc của thế giới sau Chiến tranh Lạnh thành lợi thế của mình, thay vì đảm nhận vai trò của Mỹ.
Trong khi nắm lấy những lợi ích của hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo, Bắc Kinh đã không phát triển tương ứng các hình thức quản trị trong nước hoặc chính sách đối ngoại của mình theo các đường lối được Washington ưa thích.
Người Mỹ ngày nay cảm thấy kém an toàn và dễ bị tổn thương hơn, một phần vì họ mất niềm tin vào toàn cầu hóa.
15 năm trước, nhà văn Barry Lynn đã cảnh báo về "chủ nghĩa không tưởng thương mại" với tư duy chiến lược của Mỹ, rằng những kẻ thách thức đang trỗi dậy hoặc hồi sinh sẽ không thể chống lại Mỹ nếu không mạo hiểm với sự thịnh vượng của họ.
Ngoài ra, ông đã vạch ra những rủi ro rất thực tế khi hàng hóa vượt qua hàng chục quốc gia từ giai đoạn nguyên liệu thô cho đến sản phẩm cuối cùng trong một loạt chuỗi cung ứng kéo dài và dễ bị tổn thương có thể bị phá vỡ bởi thiên tai hoặc âm mưu chính trị và trở nên phụ thuộc vào các chuỗi hàng hóa quan trọng.
Nhà khoa học chính trị Andrew Michta đã lập biểu đồ kết quả của những gì ông nói về sự “tập trung triệt để của mạng lưới thị trường.”
Chúng ta đang ở trong tình trạng, nơi một mặt hàng quan trọng cuối cùng có thể bị mắc kẹt tại bất kỳ điểm nào dọc theo một chuỗi cung ứng kéo dài: một thảm họa tự nhiên tại nguồn nguyên liệu thô; hoạt động cướp biển trên một tuyến đường biển quan trọng; áp đặt các biện pháp trừng phạt; sự sụp đổ tại một nút cơ sở hạ tầng quan trọng.
Khi mặt hàng là trái cây trái vụ, đó có thể là một sự bất tiện; còn khi đó là găng tay phẫu thuật, thiết bị mặt nạ hoặc một bộ phận máy móc không thể được cung cấp từ bất kỳ nguồn nào khác, nó trở thành một vấn đề.
Nó có thể rẻ hơn trong ngắn hạn nhờ tập trung sản xuất thiết bị y tế ở Trung Quốc, nhưng điều gì xảy ra khi Bắc Kinh quyết định ngừng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước hoặc gây áp lực chính trị?
Tất nhiên, có khả năng xảy ra một phản ứng thái quá: tuyên bố toàn cầu hóa đã “thất bại” và cố gắng theo đuổi một số tầm nhìn phi thực tế của tự chủ kinh tế.
Có nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa mà người Mỹ và những người khác trên khắp thế giới đã gặt hái được trong 30 năm qua. Nhưng nó là sự tách rời sự phụ thuộc kinh tế khỏi các mối quan hệ an ninh mà đã gây ra sự bất ổn và cần phải được xem xét lại.
Dữ liệu thăm dò dư luận là rất rõ ràng: hầu hết người Mỹ phản đối chủ nghĩa biệt lập. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy rằng người Mỹ muốn tập trung vào đổi mới, tái tạo công nghiệp, công nghệ và kinh tế trong nước và nhìn chung rút lại một phần khỏi “thế giới này” - cụ thể từ sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc - và thay vào đó tập trung vào tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với các quốc gia đối tác chia sẻ các giá trị và tầm nhìn với Mỹ.
Đây là lý do tại sao khái niệm về “toàn cầu hóa bị gãy” lại hấp dẫn. Có lẽ việc thu gọn các quan hệ đối tác, cắt giảm các chuỗi cung ứng kéo dài và dễ bị tổn thương cũng như tạo ra các nguồn cung cấp thay thế cho mọi thứ từ năng lượng đến điện tử không đòi hỏi phụ thuộc vào các cường quốc xét lại sẽ trở thành xu hướng của những năm 20 của thế kỷ này.
Đề nghị của Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Michael Gallagher (bang Wisconsin) sử dụng mối quan hệ Mỹ-Anh làm cơ sở cho một thỏa thuận kinh tế và thương mại mới là một nỗ lực thú vị phản ánh kiểu suy nghĩ này.
Tình hình virus Corona đang mở ra cánh cửa để xem xét toàn cầu hóa có thể được điều chỉnh như thế nào thay vì kết thúc nó./.