Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định kết quả hơn 5 năm thực hiện cho thấy Chỉ thị số 40 đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Đó là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo. Điều đó góp phần ổn định chính trị-xã hội, trật tự an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trước đây, gia đình bà Lê Thị Đức ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận rất khó khăn. Thu nhập chủ yếu trông chờ vào làm thuê nên nghèo khổ đeo bám 2 vợ chồng bà quá nửa đời người.
Năm 2013, bà Đức được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua một cặp bò và đây đã trở thành bước đổi đời với gia đình bà.
Biết sức khỏe mình ngày một yếu không thể làm thuê mãi, vợ chồng bà Đức dành thu nhập từ bò để mở rộng nuôi thêm dê. Đến năm 2015, gia đình bà Đức thoát nghèo và tiếp tục vay vốn hộ mới thoát nghèo 43 triệu đồng mở rộng nuôi 4 con bò và 30 con dê.
“Nhờ Ngân hàng Chính sách Xã hội tôi mới có nguồn vốn vay để nuôi dê, mỗi năm xuất 2 lứa, mỗi lứa 15 con, trừ giống còn lời 50 triệu đồng, bê con mỗi năm cũng bán được 2 con được thêm hơn 20 triệu đồng," bà Đức phấn khởi cho biết.
Không riêng bà Đức, nhiều hộ nghèo ở các miền quê khác cũng đã thoát khỏi nghèo đói và đổi đời từ nguồn vốn chính sách.
Huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận là một trong 62 huyện nghèo cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Với 8/9 xã thuộc khu vực III, huyện Bác Ái có 36/38 thôn đặc biệt khó khăn và trên 95% dân số là đồng bào dân tộc Raglai.
Trong những năm qua, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Bác Ái đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngay sau khi được giao phụ trách Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bác Ái vào đầu năm 2014 và chính thức được bổ nhiệm Giám đốc Phòng giao dịch huyện vào tháng 5/2014, việc đầu tiên anh Châu Văn Vé nghĩ đến là “chớp” cơ hội từ triển khai Chỉ thị 40.
Do đó, mỗi năm anh Châu Văn Vé đều có sáng kiến mới như “nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP," “nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại huyện nghèo 30a."
Những sáng kiến này của anh Châu Văn Vé đã góp phần đưa tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bác Ái đến nay đạt trên 185 tỷ đồng, trong đó nguồn địa phương là 4,4 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bác Ái đã giúp cho hơn 5.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hơn 2.500 lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, tạo việc làm. Đặc biệt, tại Bác Ái đã có hơn 1.400 lượt hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn.
[Chuyên gia WB đánh giá cao vốn tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo]
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách đã làm thay đổi tích cực trong cách thức sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy họ tìm cách làm, sử dụng vốn có lợi nhất, bớt dần tư duy của sự ỷ lại, để vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là một nguồn lực quan trọng cho người nghèo có “vốn” mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập thoát nghèo.
Hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 không phải là một chặng đường dài, song những kết quả bước đầu triển khai Chỉ thị này minh chứng cho một quyết sách đúng đắn của Đảng, tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách xoay chuyển đói nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chỉ thị 40 đã tạo sự chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, đó là chuyển mạnh cách làm từ cho người nghèo “con cá” bằng cách đưa “cần câu."
Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã xây dựng nông thôn mới. Tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Cùng với đó, gần 346.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Tín dụng chính sách cũng hỗ trợ xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách.
Ông Nay Hứ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai nhận định Chỉ thị số 40 là “cú hích”cho hệ tín dụng chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, góp phần nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
“Đó còn là công cụ kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Việc triển khai Chỉ thị 40 được nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước," Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai nói./.
Khi ý Đảng đi vào lòng dân: Điếm sáng trong chính sách giảm nghèo