Khó khăn của tân Thủ tướng Nhật Bản trong xử lý quan hệ với Nga

Trong bối cảnh chưa xây dựng được quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật Suga phải đối mặt với triển vọng không thể tạo ngay ra bước đột phá trong vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Khó khăn của tân Thủ tướng Nhật Bản trong xử lý quan hệ với Nga ảnh 1Quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga. (Nguồn: TourRadar)

Theo tờ Nikkei Asia, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại với Nga khi giữ nguyên đội ngũ đối ngoại của người tiền nhiệm Shinzo Abe để đối phó với nước láng giềng hùng mạnh này.

Trong bối cảnh chưa xây dựng được quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Suga đang phải đối mặt với triển vọng không thể ngay lập tức tạo ra bước đột phá trong vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Moskva gọi là quần đảo Kurils.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên kéo dài 20 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/9, Thủ tướng Suga đã tái khẳng định ý định đạt được một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước dựa trên tuyên bố chung năm 1956.

Ông nói: “Tôi muốn thúc đẩy quan hệ Nhật-Nga nói chung, trong đó có việc ký hiệp ước hòa bình. Tôi có ý định khép lại những cuốn sách nói về vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc hơn là để nó cho thế hệ sau.”

Nga đã chiếm 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi Hokkaido mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và Moskva gọi là quần đảo Kurils vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II.

Thời gian qua, vấn đề tranh chấp các hòn đảo này là một trong những rào cản quan trọng khiến hai nước chưa thể ký hiệp ước hòa bình.

Năm 2018, Thủ tướng Abe đã đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Putin để đẩy nhanh các cuộc đàm phán hướng tới việc ký một hiệp ước hòa bình kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II dựa trên tuyên bố chung năm 1956 của Nhật Bản và Liên Xô.

Tuyên bố này quy định phía Nga sẽ bàn giao 2 trong số 4 hòn đảo cho Nhật Bản sau khi ký hiệp ước hòa bình.

Theo phía Nhật Bản, hôm 29/9, Thủ tướng Suga và Tổng thống Putin đã tái xác nhận thỏa thuận năm 2018. Tổng thống Putin cho biết ông “đánh giá cao” mối quan hệ của ông với cựu Thủ tướng Abe.

[Nhật-Nga thúc đẩy đàm phán hướng tới Hiệp ước hòa bình giữa hai nước]

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết ông sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với Thủ tướng Suga trong các vấn đề song phương và quốc tế.

Tổng thống Putin cũng đề cập chương trình “giao lưu không cần thị thực,” theo đó những cư dân Nhật Bản đã từng sống trên 4 hòn đảo có thể đến thăm vùng lãnh thổ này, trong khi các cư dân Nga ở đây sẽ đến thăm Nhật Bản.

Chương trình này đang bị tạm dừng vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhà lãnh đạo Nga cho biết ông sẵn sàng nối lại chương trình này sau khi đại dịch được kiểm soát.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Suga và Tổng thống Putin đã nhất trí tìm cách tổ chức một cuộc gặp trực tiếp trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc điện đàm, Thủ tướng Suga nói: “Tôi có thể sẽ có cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn với Tổng thống Putin trong tương lai. Đó là điều mà tôi cảm nhận được.”

Trong hơn 70 năm qua, Tokyo và Moskva đã không phân định được đường biên giới vì vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tuyên bố chung năm 1956 nêu rõ các đảo Habomai và Shikotan sẽ được giao cho Nhật Bản sau khi hiệp định hòa bình được ký kết.

Từng giữ cương vị Chánh Văn phòng Nội các dưới thời chính quyền của Thủ tướng Abe, tân Thủ tướng Suga sẽ đi theo đường lối đối ngoại với Nga của người tiền nhiệm. Ông Katsunobu Kato, tân Chánh Văn phòng Nội các, cho biết: “Mục tiêu giải quyết vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc và sau đó là ký hiệp ước hòa bình của chúng tôi vẫn không thay đổi.”

Việc ông Abe từ chức đã để lại một khoảng trống lớn cần lấp đầy, nhất là khi ông có mối quan hệ cá nhân vững chắc với Tổng thống Putin. Trong những năm qua, hai nhà lãnh đạo này đã có 27 cuộc gặp. Tân Thủ tướng Suga đang phải đối mặt với nhiệm vụ thiết lập mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Nga.

Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Suga vẫn giữ lại đội ngũ đối ngoại của người tiền nhiệm Abe. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi sẽ tiếp tục điều hành các cuộc đàm phán cùng với các nhà ngoại giao hàng đầu Takeo Akiba và Takeo Mori.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật Bản Shigeru Kitamura cũng tiếp tục tại nhiệm. Tháng 1 năm nay, ông Kitamura đã đến thăm Nga để gặp Tổng thống Putin và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev.

Trong khi đó, Thủ tướng Suga lại thay đổi nhân sự tại Văn phòng Thủ tướng, nơi quá trình hoạch định chính sách chịu ảnh hưởng lớn bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI).

Ông Suga đã thay các cố vấn dưới thời chính quyền Abe gồm Takaya Imai và Eiichi Hasegawa, những người có mối liên hệ mật thiết với METI và đều tham gia vào các cuộc đàm phán và hoạt động hợp tác kinh tế với Nga.

Hiện tại, Thủ tướng Suga đang đối mặt với triển vọng không thể ngay lập tức tạo ra bước đột phá trong vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc. Moskva đã bày tỏ lo ngại rằng Mỹ có thể xây dựng các căn cứ quân sự trên Vùng lãnh thổ phương Bắc/Quần đảo Kurils nếu quần đảo này được chuyển giao cho Nhật Bản, trong khi việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014 đã khiến mối quan hệ Nga-Mỹ trở nên tồi tệ.

Nobuo Shimotomai, Giáo sư danh dự về chính trị Nga tại Đại học Hosei, nhận định: “Mâu thuẫn giữa Mỹ và Nga là một nhân tố chính khiến vấn đề tranh chấp lãnh thổ không có tiến triển nào kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Nga vào tháng 11/2018.”

Năm nay, Nga đã thông qua một số sửa đổi trong Hiến pháp, trong đó có lệnh cấm bàn giao hay nhượng lại bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ đất nước. Đây là một diễn biến có thể cản trở các cuộc đàm phán Nhật-Nga về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Trước cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Thủ tướng Suga đã gặp ông Muneo Suzuki, Thượng nghị sĩ thuộc khu vực bầu cử Hokkaido và có quan hệ với Nga. Hai người đã thảo luận tình hình quan hệ với Nga cũng như chính sách đối ngoại với nước láng giềng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục