Khó khăn trong việc xử lý khai thác vàng trái phép

Tình hình khai thác vàng vẫn diễn ra tại Quảng Nam, Quảng Trị, trong khi đó chính quyền vẫn chưa tìm được biện pháp xử lý dứt điểm.
Người dân đua nhau khai thác vàng trái phép, con sông Vàng ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ sạt lở nhà dân ngày càng cao… Đặc biệt, đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp do hoạt động khai thác vàng.

Đó là những gì đang diễn ra trên địa bàn xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam) trong thời gian qua.

Chỉ cần trèo qua dải đất cao chừng hơn 2m, sau những cụm cây keo thưa thớt là thấy cả một bãi đất với chằng chịt hố đào nham nhở. Những khoảng trống chỉ trơ sỏi đá, đến cây cỏ cũng không thể mọc lên.

Dòng sông Vàng chảy qua địa phận xã Tư đặc quánh bùn đất. Cứ cách chừng 50m lại thấy một máy đào và hút đất cùng nhóm người dân chừng 5-10 người đang miệt mài xúc đất tìm vàng.

Những người dân nơi đây cho biết từ những năm 80 của thế kỷ trước, khu vực này đã nổi tiếng với trữ lượng vàng sa khoáng khá lớn. Ban đầu, người dân thường khai thác ở lòng sông, suối với phương pháp khá thủ công.

Sau đó, những nhóm khai thác vàng lậu từ nơi khác đến, mang theo các phương pháp khai thác ngày càng tiến bộ, kéo theo một lượng người khá lớn di cư tới địa phương.

Theo Ủy ban Nhân dân xã Tư, cuối năm 2011, lực lượng chức năng đã truy quét, phát hiện 78 tổ khai thác vàng trái phép trên địa bàn, với gần 600 người, 23 chiếc xe múc và 3 tàu cuốc.

Với lượng người khai thác vàng trên địa bàn khá lớn như vậy, dọc theo dòng sông Vàng, các suối và các bãi đất trống đã bị xới lên xới xuống nhiều lần. Thậm chí đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cũng ngày càng bị thu hẹp và đất nông nghiệp có nguy cơ bị mất trắng.

“Cách đây hơn chục năm, số hộ dân bán đất cho chủ vàng ở nơi khác đến rất nhiều. Hầu hết đều qua giao dịch miệng và tự thỏa thuận. Rẻ thì vài trăm, cao lắm cũng được vài chục triệu đồng. Hoặc người có đất, người có máy liên kết ăn chia với nhau theo thỏa thuận. Chính quyền địa phương cũng chịu, chỉ có thể đẩy đuổi, cấm khai thác vàng trái phép chứ không thể phát hiện, ngăn cản các giao dịch bán đất của dân được”- ông Đinh Văn Bảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tư cho biết.

Trước đây, toàn xã Tư có khoảng trên 50ha ruộng lúa nước thì nay chỉ còn chưa tới 20ha. Thậm chí ở thôn Đa Nghi có 3ha trồng lúa nước, nhưng cả 3ha này cũng đang có nguy cơ bị xóa sổ do hệ thống thủy lợi bị sập. Diện tích đất sử dụng nông, lâm nghiệp cũng bị thu hẹp đáng kể.

Theo ông Đinh Văn Bảo, trước đây vùng đất này do Xí nghiệp khai thác Vàng PuNêp (thuộc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản miền Trung) được cấp phép hoạt động với quy mô hơn 100ha, nên công ty quản lý được tình trình trật tự, chính quyền địa phương chỉ “đau đầu” ở khu vực trong rừng sâu.

Từ tháng 3/2011, Công ty đã hết thời hạn hoạt động, nhưng đến nay vẫn còn hơn 50ha đất chưa bàn giao lại cho địa phương nên hoạt động khai thác vàng trái phép ngày càng phức tạp. Hơn nữa, hầu hết những người khai thác vàng ở đây đều là người Cơtu sinh sống trên địa bàn nên công tác đẩy, đuổi cũng hết sức khó khăn.

Ông Đỗ Tài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Giang cũng thừa nhận, vấn đề khai thác vàng trái phép ở xã Tư đã tồn tại từ rất lâu. Mặc dù, các lực lượng chức năng huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền xã tổ chức các đợt truy quét không cho người dân khai thác vàng bừa bãi. Song do người dân địa phương khai thác nhiều cùng với nguồn lợi vàng ngày càng cao nên rất khó cho công tác truy quét.

“Một mặt, huyện vẫn đang chỉ đạo quyết liệt, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương để từng bước khắc phục tình trạng này; mặt khác yêu cầu Xí nghiệp khai thác Vàng PuNêp nhanh chóng hoàn thổ, trả lại đất để tái sản xuất. Từ đó, địa phương sẽ thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, đồng thời yêu cầu người dân cam kết không sử dụng quỹ đất này cho hoạt động khai thác vàng. Huyện sẽ ban hành cơ chế khuyến khích, khen thưởng hợp lý để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống,” ông Đỗ Tài cho biết.

Trong khi đó, tại Quảng Trị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khai thác khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn.

Tại tỉnh Quảng Trị, tình hình khai thác vàng trái phép tập trung ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa và Vĩnh Linh. Việc khai thác vàng trái phép đã gây ô nhiễm môi trường, làm thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, đẩy đuổi và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản vàng trái phép.

Tuy nhiên, do địa bàn khai thác vàng trái phép chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn; sự phối hợp của các ngành, địa phương chưa kịp thời và đồng bộ, nên chưa giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép.

Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đảm bảo môi sinh, môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội và chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác vàng, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm sẽ đình chỉ ngay và báo cáo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra theo thẩm quyền, nhất là công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng tại các vùng có khai thác vàng trái phép; kiểm tra các cá nhân, tổ chức vận chuyển các phương tiện máy móc, thiết bị, vật liệu nổ và các vật liệu chuyên dùng khai thác vào khu vực có khoáng sản vàng. Kiên quyết xử lý kịp thời theo quy định, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ tiếp tay, bao che cho các đối tượng khai thác vàng trái phép. Yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng trên địa bàn Hướng Hóa và Đakrông thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi và xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã ở những nơi có khai thác vàng trái phép thực hiện công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo thẩm quyền; tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra, truy quét và xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ tài nguyên khoáng sản.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục